Biền biệt xa gia đình, xa vợ con, ngày đêm bán trụ với rừng không kể ngày lễ, Tết, hay ngày nghỉ. Điều kiện ăn ở, công tác còn nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm địa bàn Nước Vàng, luôn nỗ lực cùng chính quyền, người dân giữ cho những cánh rừng mãi thêm xanh.
Buổi sớm, sương còn giăng khắp đỉnh núi, vạt rừng, 06 giờ sáng từ trụ sở Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động, Bắc Giang), sau khi di chuyển hơn một giờ đồng hồ bằng xe máy theo tỉnh lộ 293, qua địa danh đèo Bụt ngoằn nghèo, đi tiếp 6 km, sau đó rẽ vào đường liên thôn chừng 3 km, chúng tôi tới tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Nước Vàng, đóng quân ở vùng sâu, vùng xa thuộc thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam.
Để cùng các cán bộ kiểm lâm nơi đây đi tuần rừng đặc dụng Tây Yên Tử, nơi có thắng cảnh suối Nước Vàng nổi tiếng, đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp bằng xếp hạng di tích.
Trước khi lên đường, chúng tôi được cán bộ kiểm lâm “tập huấn” nhanh một số kỹ năng cơ bản khi đi đường rừng và không quên trang bị cho những vận dụng cần thiết khác như nước uống, lương khô, thuốc chống vắt,...
Ban đầu chúng tôi đi bằng xe máy, trên đường qua một suối sâu, nước chảy siết, xe máy không qua được.
Chúng tôi phải đi trên chiếc “cầu treo” hai nhịp ghép bằng nhiều tấn ván gỗ lại với nhau, cầu dài khoảng 20m, rộng chừng 1,5m, xe đi qua cầu bập bềnh, có nhiều âm thanh vang, vọng mang đến nhiều trải nghiệm lạ lẫm.
Đi thêm quãng đường rừng chừng 800 m, chúng tôi vượt, lách qua một con suối, dài chừng 15m, nước ngập lưng bánh xe, với nhiều phiến đá to chắn đường. Qua suối đi thêm chừng một cây số rồi dừng lại để xe máy ở bìa rừng, bắt đầu cuộc hành trình cuốc bộ xuyên rừng từ dưới lên đỉnh núi.
Chúng tôi đi theo lối mòn của người đi rừng, luồn sâu vào vùng lõi rừng đặc dụng, xuyên qua những cánh rừng già ẩm ướt, trơn trượt. Dưới tán rừng nguyên sinh rậm rạp, người đi trước cầm dao phạt các cành cây nhỏ, dây gai để đỡ mắc cỡ níu lấy ống quần của những người đi sau.
Trên đường tuần rừng, dăm ba câu chuyện chia sẻ qua lại của các thành viên trong đoàn, khiến cuộc hành trình của chúng tôi như bớt khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Ngọc Thơm, Phụ trách Trạm Kiểm lâm địa bàn Nước Vàng cho biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử được thành lập năm 2002, có vị trí địa lý trải dài từ xã Lục Sơn, huyện Lục Nam đến xã An Lạc, huyện Sơn Động, với diện tích hơn 12 nghìn ha rừng và đất rừng đặc dụng.
Diện tích chủ yếu nằm trên sườn tây của dãy núi Yên Tử, có đỉnh cao nhất so với mực nước biển là 1.068m. Rừng tự nhiên nơi đây là hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam. Không chỉ là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao về thành phần loài mà còn là nơi phân bố của nhiều loài thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm.
Trong đó, có loài Thằn lằn cá sấu, loài động vật cực kỳ quý hiếm trên thế giới, phân bố ở dãy núi Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh.
Đi bộ được vài giờ, hai chân tôi đã không nhấc nổi, đau ê ẩm, hai lòng bàn tay lúm phún gai nhỏ bán đau nhức, rỉ máu, mồ hôi ướt đẫm lưng. Các anh kiểm lâm áo đã chuyển mầu vì mồ hôi ra ướt sũng.
Đến một con suối, chúng tôi nghỉ chân. Cách chỗ tôi ngồi không xa là những cây gỗ lớn sừng sững, có tuổi đời hàng chục năm mới có, một biểu tượng của thiên nhiên. Không khí nơi đây dường như loãng hơn.
Đâu đó thỉnh thoảng có tiếng chim hót vọng lại, kèm theo những làn gió mát, mang theo hương thơm thoang thoảng của hoa rừng đưa tới chỗ chúng tôi. Tất cả như hòa với nhau, làm cho thiên nhiên, đất trời nơi đây trở nên thanh bình, tĩnh lặng.
“Tôi quê ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, từ nhà tôi lên đến Trạm 70 cây số. Mỗi tháng có 30 ngày thì chúng tôi “làm bạn” với rừng hết 26 ngày, chỉ còn lại 4 ngày được nghỉ về thăm gia đình. Nhiều lúc, ở nhà có chuyện gì quan trọng không về được, cũng thấy lo.”, anh Thơm nói.
“Do đặc thù công việc, chúng tôi phải tập trung, ngày đêm bám trụ với rừng, vì vậy luôn đối diện với nhiều nguy hiểm, rủi ro.
Điển hình, mới đây nhất, cuối năm 2018, trong khi trực tại Chốt bảo vệ rừng Vũng Tròn, nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng Tây Yên Tử, một đồng nghiệp của tôi, anh Hoàng Văn Sơn bị một con rắn Chàm quạp hay còn gọi là rắn Khô mộc xà, là loài rắn độc đặc biệt nguy hiểm cắn vào chân.
May mà đã được đồng nghiệp cõng anh Sơn vượt rừng ra đường ô tô, rồi nhanh chóng đưa tới Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cấp cứu. Sơ cứu xong, sau đó khẩn chương chuyển tiếp ngay ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cấp cứu. Các bác sĩ ở đây bảo, nếu chỉ chậm chút nữa thì không còn cách gì...”, anh Thơm chia sẻ thêm.
Anh Nguyễn Bá Giang, quê ở huyện Lục Nam, có thâm niên 8 năm trong ngành, trải lòng: “Biền biệt xa gia đình, xa vợ con, không kể ngày lễ, tết, hay ngày nghỉ, chấp nhận những chuyến đi tuần rừng gian khổ để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của đất nước. Chỉ có yêu nghề, có tình yêu thật sự với rừng mới có thể bám trụ được với nghề kiểm lâm”.
Anh Thơm chia sẻ tiếp: “Trạm Nước Vàng được biên chế 02 viên chức Kiểm lâm, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 2.500 ha rừng và đất rừng đặc dụng. Rừng tự nhiên ở đây có nhiều cây gỗ lớn quý hiếm, nhiều loài động vật rừng trú ngụ nên luôn bị lâm tặc rình rập và nhiệm vụ bảo vệ rừng càng nóng bỏng.
Những ngày khô ráo, mỗi tuần, chúng tôi tổ chức đi kiểm tra rừng từ 3 đến 4 buổi, với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có cả những người dân nhận giao khoán rừng. Những ngày còn lại đi vào các thôn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Việc thường xuyên tuần tra rừng giúp chúng tôi quản lý, nắm bắt tốt hiện trạng rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, từ đó bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có, bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa phương.”.
Tôi hỏi: Phần lớn thời gian các anh gắn bó với rừng, chắc các anh nhớ vợ con lắm? đặc biệt là Tết? “Có chứ! Nhưng giờ có chiếc điện thoại di động, nhớ gia đình thì gọi điện hỏi thăm, nghe giọng nói của vợ, con là mình ấm lòng và yên tâm rồi.
Chỉ tội cho con nhỏ, năm nay mới 3 tuổi, Tết năm ngoái (nghe vợ tôi kể lại), khi cả nhà ăn bữa cơn tất niên, không thấy tôi ở nhà cháu cứ hỏi mẹ suốt là bố đi đâu mẹ?!... Nghĩ thương quá, nhưng giữ rừng là cái nghiệp rồi, cố mà làm cho tốt thôi. Năm nào cũng vậy, chúng tôi phải thay nhau trực và ăn Tết trên rừng. Đón Tết giữa rừng đã thành thông lệ của cán bộ kiểm lâm”, anh Giang chia sẻ.
Khi tôi hỏi có dành dụm được đồng nào đưa cho vợ không?! Anh Giang bối rối một lúc rồi nhỏ nhẹ: “Với số tiền lương ít ỏi chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, mỗi tháng ngoài tiền ăn, tiền xăng xe đi lại, chắt chiu lắm cũng đưa cho vợ được khoảng 2 triệu đồng nuôi con”.
Nghỉ giải lao chừng 15 phút, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình băng qua những con suối nước chảy róc rách, rồi lại leo lên những con dốc đầy bùn và đá trơn trượt. Lắm lúc chúng tôi như bị lạc hướng giữa lưng chừng dãy núi.
Lúc ấy, chúng tôi lại di chuyển sang ngang để tìm lối mòn. Mỗi người di chuyển từng bước chân, hai bàn tay phải túm lấy các cành cây, lá rừng để giữ thăng bằng cho cơ thể mới có thể di chuyển được.
Quá trưa, chúng tôi tới đỉnh núi, nơi giáp ranh với huyện Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh. Từ đây, chúng tôi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh trùng điệp của dãy Yên Tử hùng vĩ. Nhìn bao quát, cảnh vật nơi đây như một bức tranh lộng lẫy, căng tràn sức sống với thảm thực vật phong phú, đa dạng, cùng đủ sắc mầu của lá, hoa. Chưa bao giờ tôi thấy thiên nhiên gần gũi, thân thương đến vậy.
“Nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng luôn được anh em thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khu vực rừng giáp ranh; mọi dấu hiệu vi phạm đều được chúng tôi ghi nhận đầy đủ để ngăn chặn sớm, không để bất cứ vụ vi phạm nào diễn ra”, anh Thơm nói.
Chúng tôi nghỉ giải lao chừng 30 phút, mỗi người ăn tạm ít lương khô, cơm nắm mang theo để lấy sức, rồi rời cánh rừng theo một con đường khác. Chúng tôi không thể dừng lại quá lâu để nghỉ ngơi, bởi nếu dừng lại sẽ khiến mình càng mệt thêm.
Khi về, tranh thủ độ dốc của núi, chúng tôi cố gắng đi nhanh để tránh sự đeo bám của lũ vắt ẩn mình dưới lớp đất mùn trên đường mòn. Sự mệt mỏi đã khiến tôi mất cả cảm giác bị vắt bám vào chân. Chỉ đến khi thấy đau buốt và nhìn xuống chân thì đã thấy con vắt no máu căng tròn nằm đó. Cứ như thế, mỗi một đoạn đường đi, chúng tôi lại phải dừng lại để xử lý một vết thương mới.
Đến cuối giờ chiều đoàn chúng tôi về đến được điểm xuất phát, kết thúc một ngày tuần rừng mệt nhọc. Ai cũng ớn lạnh vì mồ hôi thấm ngược trở lại cơ thể, khi chiếc áo đang mặc trên người ướt sũng.
Chia tay các anh, chúng tôi ra về nhưng lòng đầy cảm phục trước những gian lao, vất vả của các anh. Dù cuộc sống, điều kiện ăn ở, công tác còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn ngày đêm giữ rừng.
Tôi thầm cảm phục các anh và càng thấu hiểu cho những người vợ, những con, em của các anh nói riêng và lực lượng bảo vệ rừng nói chung.
Mặc dù các chị, các con của các anh luôn sống trong sự thiếu thốn tình cảm, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người chồng, người cha, người “trụ cột” trong nhà, đồng lương của các anh mang về cũng thật ít ỏi, nhưng các chị vẫn yêu, vẫn chung thủy với các anh và nuôi dạy các con thành con ngoan, trò giỏi. Chắc chắn, vì yêu nghề và phải có tình yêu thật sự với rừng, họ mới gắn bó như vậy.
Tôi từng nghe nhiều người nói “Kiểm lâm vất vả, gian khổ chỉ kém Bộ đội Biên phòng”. Giờ thì tôi tin điều ấy. Bởi, với công việc này, không chỉ qua mỗi ngày, hay từng tuần, từng tháng, mà nhiều năm, những người lính “quân hàm xanh” vẫn âm thầm, cần mẫn ngày đêm lặng lẽ làm việc, chỉ để thực hiện một lý tưởng lớn lao và kiêm định là giữ cho rừng mãi thêm xanh.