| Hotline: 0983.970.780

Liên hoan sân khấu nhen lửa nghề kịch nói phương Nam

Thứ Ba 12/11/2024 , 18:42 (GMT+7)

Liên hoan sân khấu TP.HCM khai mạc tối 12/11 tại Nhà hát TP.HCM, và sẽ kéo dài hai tuần lễ với 26 vở diễn của 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói phương Nam.

Một tác phẩm của Sân khấu kịch IDECAF.

Một tác phẩm của Sân khấu kịch IDECAF.

Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024 là liên hoan lần đầu tiên dành cho nghệ thuật kịch nói ở một địa bàn có sự hoạt động sôi nổi của các sàn diễn. Từ lâu kịch nói TP.HCM đã chứng kiến sự nở rộ của mô hình xã hội hóa sân khấu. Cho nên, Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024 có thể xem như cuộc điểm danh thú vị của kịch nói phương Nam.

Trong 20 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024, bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Sân khấu kịch IDECAF, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch TKC, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh… còn có những tên tuổi mới như Sân khấu Xóm Kịch, Sân khấu kịch Ban Mai, Sân khấu kịch Thiên Đăng, Sân khấu kịch Sài Gòn Phẳng…

Cho nên bên cạnh những tài danh lừng lẫy như Thành Hội, Hữu Châu, Hồng Vân, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Tuyết Thu, Ái Như… thì Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024 cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ mới.

Diễn viên Thành Lộc chia sẻ: “Trong hoạt động sân khấu, ngay cả những vở diễn đạt giải cao tại các lễ trao giải, liên hoan nhưng khi diễn thì không ai xem. Tôi tự hỏi tại sao nó lại không có giá trị thật, có phải là do cách nghĩ của những người đạo diễn và hội đồng chênh nhau hay không? Với tôi, vở diễn đến với người xem như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Và mục đích chính của liên hoan nên là dịp để các văn nghệ sĩ ngồi lại, chia sẻ với nhau những cảm xúc trong quá trình làm nghề”.

Đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến sân khấu TP.HCM. Sau đại dịch Covid-19, nhiều tụ điểm đã đóng cửa, hoặc chuyển sang thuê sàn diễn nhỏ hơn để tiếp tục phục vụ lượng khán giả ít ỏi hơn. Vì vậy, Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024 cũng là một sự kiện để công chúng nhìn nhận và đánh giá rõ ràng hơn về diện mạo kịch nói phương Nam.

Một tác phẩm của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Một tác phẩm của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Với đặc thù là lọai hình mang tính xung kích nhất trong đời sống nghệ thuật, không ai phủ nhận sân khấu kịch nói đã thu hoạch được nhiều điều đáng kể. Để đánh giá nội lực một nền sân khấu kịch nói thời hội nhập, không thể không xét hai yếu tố: tác phẩm đỉnh cao và đội ngũ kế thừa.

Xét về tác phẩm đỉnh cao thì tùy từng lúc, tùy từng thời, đã có những vở diễn được đón nhận và được tôn vinh. Xét về đội ngũ kế thừa, những kỳ liên hoan như một cuộc điểm danh ít ỏi, thực sự đang thiếu vắng những gương mặt mới cho sàn diễn vốn ngày càng nhộn nhịp hơn.

Một trong những lý do có vẻ chính đáng nhất nêu ra để phân bua với nhau là sân khấu kịch nói chưa có những cơ sở vật chất cần thiết. Đúng, so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, thì sân khấu TP.HCM nói riêng và sân khấu Việt Nam chưa có nhà hát tiện nghi cũng như không có kinh phí đầu tư dồi dào như họ.

Thế nhưng, đây chỉ là sự tụt hậu về bề nổi, còn điều cốt lõi là sân khấu kịch nói đã tự “đóng cửa” với bản thân. Những giáo trình cũ kỹ hàng chục năm trước vẫn còn được đem ra để nhồi nhét kiến thức cho sinh viên hai trung tâm đào tạo lớn nhất là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM.

Chúng ta không hề có thông tin gì về sân khấu quốc tế. Chúng ta không hề biết sàn diễn ở các nước đã thay đổi như thế nào và đang thịnh thành những trào lưu gì. Chúng ta cũng không biết mình đang ở đâu trên bản đồ kịch nghệ thế giới thập niên thứ ba của thế kỷ 21. Chính trong tư thế tiến thoái lưỡng nan ấy, sân khấu kịch nói trở nên tù đọng với hai phương thức hoạt động: sân khấu bao cấp hoạt động cầm chừng và sân khấu tư nhân chạy theo thị hiếu.

Bản chất của sàn diễn xã hội hóa là để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, vì vậy không có quyền đòi hỏi họ bỏ tiền thực hiện những vở lớn tạo nên diện mạo nghệ thuật một nền sân khấu. Tất cả gánh nặng vươn lên của sân khấu hôm nay đè lên vai những đơn vị công lập mỗi năm được rót cho một ít kinh phí ít ỏi từ ngân sách.

Một tác phẩm của Sân khấu kịch Hồng Vân.

Một tác phẩm của Sân khấu kịch Hồng Vân.

Muốn sân khấu Việt Nam không đứng ngoài sự hội nhập, không thể không quan tâm đến tài nguyên con người. Nỗi lo đáng báo động nhất của sân khấu hiện nay là khủng hoảng thiếu những nhà viết kịch. Quy luật “có tích mới dịch nên tuồng” thực sự ám ảnh chúng ta, khi mà nhìn lại những vở diễn có giá trị vượt thời gian đều mang tâm huyết của những tác giả lớn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Xuân Đức… Bây giờ bản bi ca “kịch bản ở đâu” vẫn cứ hát đi hát lại, và sẽ tiếp tục tâm trạng tuyệt vọng ấy, nếu không có giải pháp khuyến khích tác giả trẻ gắn bó với sân khấu kịch nói.

Đã biết cách quảng bá để thu hút khán giả, đã biết chạy theo thị hiếu từ đề tài cười cợt cho đến đề tài kinh dị để bán vé, sân khấu kịch nói vẫn chờ đợi trợ lực thích hợp để có được những tác phẩm mang đẳng cấp quốc tế.

Xem thêm
Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán

TP.HCM Vở múa rối nước ‘Huyền sử Yết Kiêu’ vừa được Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức phúc khảo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.