Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) có vai trò đặc biệt trong sự hình thành và phát triển vùng đất phương Nam. Bởi lẽ, Tả quân Lê Văn Duyệt hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành, lần thứ nhất từ năm 1812 đến năm 1816, lần thứ hai từ năm 1820 đến năm 1832. Tuy nhiên, Tả quân Lê Văn Duyệt cũng là một nhân vật lịch sử từng gây tranh cãi, với nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.
Nhân vật Lê Văn Duyệt sinh ra và lớn lên tại Tiền Giang. Năm 17 tuổi, Lê Văn Duyệt tự nguyện tịnh thân để chính thức làm thái giám. Lê Văn Duyệt có tài cầm quân đánh trận, rất được vua Gia Long trọng dụng và cho hưởng quyền “nhập triều bất bái” nghĩa là vào triều đình không phải lạy.
Khi làm Tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt thực hiện nhiều chính sách an sinh dân chúng và mở rộng quan hệ ngoại giao. Không chỉ củng cố thành trì và đào kênh thủy lợi, Lê Văn Duyệt còn xây dựng nhiều hoạt động cồng đồng như lập ra “Anh hài” để dạy võ thuật và lập ra “Giáo dưỡng” để dạy chữ nghĩa cho trẻ em không phân biệt sang hèn.
Do công trạng to tớn, Tả quân Lê Văn Duyệt được người dân Nam Bộ tôn kính, thờ phượng. Tả quân Lê Văn Duyệt biểu tượng cho lòng nhân nghĩa cho nên ông từ một nhân vật lịch sử trở thành nhân vật văn hóa, nhân vật tâm linh của người dân Nam Bộ.
Chương trình Sân khấu sử Việt học đường do Kịch IDECAF và Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM phối hợp thực hiện, với mong muốn thông qua nghệ thuật biểu diễn góp phần bồi đắp tình yêu của giới trẻ với lịch sử nước nhà.
Lâu nay kịch lịch sử cũng giống như phim lịch sử, vẫn được xem như một thể loại kén khán giả. Thế nhưng, thật đáng mừng, vở kịch “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” vừa công bố lịch diễn vào các ngày 10, 21 và 28/4 đã nhận được sự hưởng ứng rất nồng nhiệt của công chúng.
Vở kịch “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” dựa theo kịch bản của Phạm Văn Quý - Võ Tử Uyên, do Hoàng Duẩn làm đạo diễn. Đây là lần thứ ba, đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng tác phẩm liên quan đến Tả quân Lê Văn Duyệt. Lần thứ nhất, đạo diễn Hoàng Duẩn làm vở “Tả quân Lê Văn Duyệt” ở Nhà hát kịch TP.HCM. Lần thứ hai đạo diễn Hoàng Duẩn làm vở cải lương “Án tử” đoạt Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Từng bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Kịch nói ở TP.HCM trong bối cảnh văn hóa Nam bộ” nên đạo diễn Hoàng Duẩn rất quan tâm đến các yếu tố phục trang nhân vật phải đảm bảo giá trị lịch sử và giá trị thẩm mỹ. Vở kịch “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” đầu tư 200 triệu đồng để đặt một xưởng cổ phục cung đình Huế thiết kế 90 bộ trang phục cho toàn bộ diễn viên tham gia tác phẩm.
Mục tiêu của chương trình Sân khấu sử Việt học đường là phục vụ đối tượng học sinh và sinh viên trên địa bàn TP.HCM. Cho nên, ê-kip thực hiện vở kịch “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” tổ chức xe đưa đón từ trường học đến nhà hát.
Vì sao vở kịch về Tả quân Lê Văn Duyệt nhấn mạnh chi tiết “người mang 9 án tử”. Vì Tả quân Lê Văn Duyệt không được lòng vua Minh Mạng nên bị triều đình Huế luận tội, bao gồm 7 điều đáng tội xử trảm và hai điều đáng xử tội thắt cổ.
Vở kịch “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” quy tụ nhiều gương mặt diễn viên quen thuộc của Kịch IDECAF như diễn viên Đình Toàn đóng vai Lê Văn Duyệt, diễn viên Đại Nghĩa đóng vai Huỳnh Công Lý, diễn viên Hoàng Trinh đóng vai Đỗ Thị Phận, diễn viên Hòa Hiệp đóng vai Lê Văn Khôi, diễn viên Quốc Thịnh đóng vai Trương Tấn Bửu, diễn viên Mỹ Duyên đóng vai Huệ Phi, diễn viên Quang Thảo đóng vai Minh Mạng…