| Hotline: 0983.970.780

Liên kết khối ngoại, tận dụng tốt hơn ưu đãi từ CPTPP

Thứ Hai 02/12/2024 , 19:04 (GMT+7)

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trong Hiệp định CPTPP đã tăng gần 20 tỷ USD sau 5 năm, song khả năng tận dụng lại không đồng đều.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương: 'Sẽ xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA'. Ảnh: Hương Lan.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương: 'Sẽ xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA'. Ảnh: Hương Lan.

Sau 5 năm Việt Nam thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương) nhận xét, phần lớn doanh nghiệp tận dụng được FTA này thuộc khối FDI (có vốn đầu tư nước ngoài), cụ thể là trong lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính…

Trong khi đó, những doanh nghiệp liên quan đến nông, thủy sản vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam thì mức độ tận dụng còn tương đối hạn chế.

Nguyên nhân được bà Phương chỉ ra là phần lớn các doanh nghiệp thường xuất khẩu thô, rất ít chế biến sâu. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài... Từ đó dẫn đến khó đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường FTA, đặc biệt khi họ ngày càng dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật.

Một yếu tố nữa là hoạt động quản trị để đáp ứng các FTA thế hệ mới chưa được doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là vấn đề thẩm định trong chuỗi cung ứng. "Có nhiều giải pháp khác nhau để doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nhiều hơn CPTPP hay các FTA nói chung. Trong đó có việc kết hợp với các doanh nghiệp FDI để cùng hình thành một chuỗi cung ứng", bà Phương bày tỏ.

Theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, doanh nghiệp FDI là những tập đoàn đa quốc gia, có năng lực về vốn rất lớn, có kinh nghiệm quản trị toàn cầu và có những công nghệ tiên tiến hàng đầu. Nếu kết hợp được vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế tốt hơn. 

Doanh nghiệp FDI đang tận dụng các FTA thế hệ mới tốt hơn khối trong nước. Ảnh: Minh Tâm.

Doanh nghiệp FDI đang tận dụng các FTA thế hệ mới tốt hơn khối trong nước. Ảnh: Minh Tâm.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh (Công ty Ô tô Toyota Việt Nam) đồng tình quan điểm này và đánh giá, các doanh nghiệp cung ứng trong chuỗi cung của Việt Nam rất có tiềm năng.

Gần 5 năm qua, Toyota Việt Nam đã sàng lọc hàng trăm đơn vị, sau đó trực tiếp làm việc cụ thể với vài chục đơn vị và tuyển dụng được một vài đơn vị trở thành nhà cung cấp. Hiện Công ty bắt đầu cung cấp cho các dự án sản xuất xe, sản xuất linh kiện cho những chiếc xe sản xuất tại Việt Nam.

Qua liên kết với Toyoto, nhiều đơn vị đã giảm tồn kho đến 60%, tiết kiệm hàng nghìn m2 nhà xưởng, tăng hơn 70% năng suất của người lao động, cải thiện được môi trường lao động an toàn, thân thiện với môi trường hơn.

Khi kết hợp doanh nghiệp nước sở tại, bản thân Toyota cũng chủ động hơn trong nguồn cung, giảm được chi phí sản xuất thông qua áp dụng các cơ chế giảm thuế suất nhanh hơn của CPTPP, theo đại diện Toyota.

"Sự kết hợp hoàn hảo giữa linh kiện đầu vào cho chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xuất đi một thị trường trong CPTPP, giúp chúng tôi tăng cơ hội tìm kiếm khách hàng mới cũng như phát triển thêm doanh số", ông Hiếu bày tỏ.

Xác định "cơ chế win - win" cho cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn đối tác là thành viên các nước CPTP, Phó Trưởng phòng Nguyễn Thị Lan Phương kêu gọi doanh nghiệp trong nước thay đổi nhiều hơn để hấp thụ được những cơ hội trong các FTA thế hệ mới.

Bên cạnh yếu tố nội lực, bà Phương thông tin, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Dự kiến tháng 5/2025, Bộ sẽ trình Chính phủ và có thể bắt tay vào xây dựng từ tháng 9, nếu được phê duyệt.

"Trong mô hình hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, chúng tôi mong muốn tăng cường kết nối và xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Ở đó, doanh nghiệp tham gia là những đơn vị hướng tới sự phát triển bền vững, thương hiệu và sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng", bà Phương nhấn mạnh.

Thông qua việc được miễn, giảm thuế quan với những thị trường chưa có FTA như Canada, Peru hay Mexico, thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước CPTPP đã tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2019 lên 4,7 tỷ USD. Riêng với 3 thị trường này, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đạt khoảng 12 tỉ USD, gấp 2 lần so với 5 năm trước.

Xem thêm
Xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu vượt 5 tỷ USD

Sau khi đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng mạnh và đã vượt mốc 5 tỷ USD.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Greenfeed được vinh danh nhờ chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Greenfeed được gọi tên trong tốp 100 doanh nghiệp bền vững năm thứ ba liên tiếp, nhờ các thực hành nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng trong mọi hoạt động sản xuất. 

TP Phủ Lý mở rộng được công nhận là đô thị loại II

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.