Tại buổi họp với người đồng cấp Canada - Bộ trưởng Mary Ng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ quan ngại về tần suất ngày càng tăng của các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hoá có xuất xứ Việt Nam trên thị trường Canada.
Bộ trưởng đề nghị phía Canada, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiến hành các cuộc điều tra một cách khách quan, minh bạch, tạo cơ hội để Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu, bày tỏ quan điểm trong các vụ việc.
Không tiếp tục điều tra tình hình thị trường đặc biệt trong các vụ việc chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sử dụng hoàn toàn số liệu do các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cung cấp để tính toán biên độ bán phá giá.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại thông qua việc thông tin sớm các vụ việc có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại và tổ chức đối thoại phòng vệ thương mại trong các diễn đàn song phương, đa phương phù hợp.
Canada hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Canada, tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ, trong năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tăng 136% về giá trị kim ngạch so với 2018.
Điều đó có nghĩa, sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch của Việt Nam sang Canada đã tăng hơn 2 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,8 tỷ USD năm 2023.
Quốc gia Bắc Mỹ là thị trường “tỷ đô” có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP. Hiện Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada và Canada là nước mà chúng ta có mức thặng dư thương mại tương đối cao, lên đến trên 9 tỷ USD.
Theo Bộ Công thương, những mặt hàng hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Canada như điện thoại, điện tử điện máy, kim loại cơ bản, thủy sản, máy móc quang học, rau củ quả, hoá chất, gạo, điều, chè cà phê… đều tăng đột biến, có những mặt hàng tăng đến 1.000%.
Đặc biệt, dệt may và da giày là 2 ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất từ lộ trình giảm thuế trong CPTPP. Giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada đã tăng gấp đôi so với năm 2018, đưa Việt Nam trở thành nước có thị phần lớn thứ 3 tại Canada. Đối với sản phẩm da, kim ngạch hiện trên 1 tỷ USD, giúp Việt Nam là nước có thị phần lớn thứ hai tại quốc gia này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những kết quả này. Ông cho rằng, sự tăng trưởng đột biến của xuất khẩu Việt Nam có phần lớn đóng góp từ vai trò điều phối của Canada, với tư cách là Chủ tịch CPTPP năm 2024.
Về hợp tác song phương, ông Diên và bà Mary Ng thống nhất thúc đẩy triển khai Tuyên bố chung của Kỳ họp lần II Ủy ban hỗn hợp về kinh tế giữa Việt Nam và Canada (tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 3/2024) và hoạt động của hai Nhóm công tác về: (i) Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; (ii) Chuyển đổi năng lượng ứng phó biến đổi khí hậu.
Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ chuyên ngành, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như hệ thống phân phối bán lẻ của Canada.
Bộ trưởng Canada nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, đầu tư song phương giữa hai bên.
Trước đó, tại phiên họp Hội đồng CPTPP, các thành viên đều bày tỏ, việc hiệp định chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh từ ngày 15/12/2024 là dấu mốc quan trọng không chỉ đối với quốc gia này hay các nước CPTPP, mà còn có ý nghĩa với thương mại toàn cầu, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ thương mại và đầu tư dựa trên các quy tắc mở và ổn định.
Trên cơ sở đồng thuận, các Bộ trưởng đã thống nhất thông qua: (i) Tuyên bố Vancouver; (ii) Quyết định khởi động đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Costa Rica; (iii) Quyết định về Danh sách Chủ tịch và Phó Chủ tịch luân phiên CPTPP giai đoạn 2025-2031.