| Hotline: 0983.970.780

Liên kết trồng sả

Thứ Tư 02/10/2019 , 08:40 (GMT+7)

Người dân bản Hang Chuồn - Nà Lâm và thôn Trường Nam - Làng thanh niên lập nghiệp xã miền núi Trường Xuân, Quảng Ninh (Quảng Bình) đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng sả.

14-47-23_70322242_966397257027366_2967613674715348992_n
Nông dân thu hoạch sả nguyên liệu.

Mô hình được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững (SEEDS), Đại sứ quán Úc và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp hữu cơ Lộc Việt.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã, trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Liệu, anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở thôn Trường Nam trồng sả chanh quanh vườn chỉ để thu hoạch phần củ đem ra chợ bán làm gia vị, phục vụ nhu cầu ẩm thực, diện tích manh mún nhỏ lẻ; toàn bộ phần lá sau khi thu hoạch chưa được tận dụng, nên hiệu quả kinh tế không cao.

Từ năm 2018, được Công ty Lộc Việt hợp đồng thu mua sả nguyên liệu để chưng cất tinh dầu sả chanh, gia đình chị đã đầu tư trồng được hơn 0,5 ha. Vụ thu hoạch đầu tiên, chị Liệu có thu nhập trên 5 triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Chị tiếp tục mở rộng diện tích trồng sả lên 3 ha. Hiện đang vào vụ thu hoạch sả nguyên liệu, hứa hẹn sẽ đưa lại nguồn thu nhập đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Liệu tâm sự: “Từ khi cây sả được Công ty thu mua để chiết xuất tinh dầu, bà con rất vui mừng vì đã có công việc khá ổn định; sản phẩm được thu mua, nhà nào cũng mở rộng diện tích trồng sả, riêng gia đình tôi trồng được 3 ha, dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/lứa”.

Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, phân bón của công ty và chính sách khuyến khích chuyển đổi vùng sản xuất cây dược liệu của huyện Quảng Ninh, đến nay, người dân xã Trường Xuân đã mở rộng diện tích trồng sả nguyên liệu lên khoảng 30 ha. Bình quân mỗi hộ gia đình trồng từ 0,5 - 3 ha sả.

Trường Xuân là vùng đất gò đồi với nhiều thung lũng rất phù hợp cho cây sả phát triển; mỗi năm cây sả cho thu hoạch từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa thu khoảng 0,7 tạ đến 1 tấn nguyên liệu/sào. Công ty Lộc Việt hợp đồng liên kết với các hộ dân trên địa bàn thu mua, bao tiêu sả nguyên liệu với giá 2.000 đồng/kg.

Để chưng cất tinh dầu sả chanh, Công ty Lộc Việt đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất tại xã Trường Xuân, với hệ thống lò nung khá hiện đại, được chế tạo bằng inox cao cấp, đảm bảo trong quá trình chiết xuất vẫn giữ được tinh chất, mùi hương tự nhiên vốn có của cây sả chanh. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành thu mua nguyên liệu và chưng cất dầu tràm.

Sau một năm triển khai thực hiện, Công ty Lộc Việt đã sản xuất được 950 lít tinh dầu. Sản phẩm được đóng chai với nhiều kích cỡ, mẫu mã phù hợp với nhu cầu của người sử dụng như dạng xịt, nhỏ giọt, treo trên xe và sử dụng đèn xông tinh dầu.

Sản phẩm đã được đăng kí, công bố chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trên thị trường. Sản phẩm tinh dầu sả chanh và tinh dầu tram của công ty cũng đã được huyện Quảng Ninh chọn 1 trong 17 sản phẩm tiêu biểu trong toàn huyện tham gia triển lãm thành tựu kinh tế tỉnh Quảng Bình dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh.

14-47-23_70390273_971041689896256_7553248143807086592_n
Lò chưng cất tinh dầu sả chanh.

Việc sản xuất tinh dầu sả chanh và tinh dầu tràm gió đã tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững tại xã Trường Xuân. Ông Phạm Mậu Tài, tư vấn kỹ thuật dự án Sản xuất tinh dầu sả chanh của Công ty Lộc Việt cho biết: “Chương trình dự án này nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc nhằm giúp nông dân tăng thu nhập từ trồng sả và thông qua chương trình hỗ trợ chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Công ty tiến hành thu mua sả nguyên liệu, tạo thu nhập ổn định cho bà con, vừa tạo ra sản phẩm tinh dầu sả chanh đảm bảo chất lượng và đã được đăng ký nhãn hiệu”.

Hiệu quả bước đầu từ việc triển khai thực hiện dự án sản xuất tinh dầu sả chanh của Công ty Lộc Việt đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động trong vùng sản xuất nguyên liệu có nguồn thu nhập ổn định.

Trong thời gian tới, Công ty Lộc Việt tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hệ thống chưng cất tinh dầu sả chanh và chú trọng liên kết mở rộng diện tích cung cấp nguyên liệu sả chanh lên 45 ha, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.