Theo sách Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỉ phụ biên, ghi chép thời kì 1914 - 1915, triều đình đã bàn luận về việc “cất quân” giúp đỡ nước Pháp: Tháng 12 bề tôi Phủ phụ chính tâu nói hiện nay nước Đại Pháp dùng binh, các nước bạn bè như Ấn Độ ở châu Á, Sênêgal ở châu Phi đều cấp quân giúp đỡ. Bản quốc cùng quý quốc tình nghĩa rất dày đã nhiều lần quyên góp tiền bạc để làm rõ nghĩa đau ngứa có nhau, còn như một điều trợ chiến thì chưa nghĩ tới. Gần đây Khâm sứ đại thần Charles bàn nói xin nên yết thị khắp các phủ tỉnh cho đều tuân lệnh mộ lính tùng chinh để ra sức vì nghĩa, lại viết sẵn chỉ dụ cùng điều khoản xin chuẩn sao ra cho thi hành. Vua phê nói “Được”.
Cũng trong Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỉ phụ biên, thì trong tình hình “giặc Phổ này dạ sói lang, cậy tài lừa ngựa, coi thường công pháp, dám chống đại bang” thì triều đình nhà Nguyễn “đã nhiều lần quyên góp tiền bạc giúp đỡ Hội Hồng thập tự để tỏ nghĩa đau ngứa có nhau trong đó một khoản Trung Kì mộ quân trợ chiến cũng nên nghĩ tới để thể hiện nhiệt thành”.
Đối với những trai tráng tòng quân sang Pháp tham gia chiến tranh, có 4 điều khoản cụ thể, người tòng quân sẽ được cấp tiền thưởng và vợ con ở nhà được lĩnh lương hàng tháng.
“Khoản 1: Ai tình nguyện đầu mộ thì làm đơn với quan địa phương hoặc Trú sứ, sẽ có Hội đồng sức khỏe khám tuyển, nếu được trúng tuyển trước tiên cấp thưởng 200 quan tiền Tây, thành tiền khoảng 80 đồng;
Khoản 2: Lúc tòng quân sẽ chiểu lệ cấp binh lương, còn vợ con người thân ở nhà được lĩnh lương chi cấp hàng tháng;
Khoản 3: Nếu gặp việc bất hạnh mất mạng thì vợ con và người thân được dự hưởng tiền hưu, nhưng trước đó tạm cấp 120 quan tiền Tây, thành tiền 50 đồng chờ ngày định rõ hưu bổng sẽ cho theo kì nhận lãnh;
Khoản 4: Những người ứng mộ đều được miễn sai dịch như binh ngạch bản triều, nếu lập được quân công và tòng chinh lâu ngày thì ngoài việc quý quốc sẽ nghĩ cách ban thưởng, bản triều cũng sẽ ban cho phẩm hàm. Nếu bất hạnh mất mạng sẽ truy tặng phẩm hàm và ban nhiêu ấm cho con trai hoặc em trai, cháu trai một người”.
Đối với việc tuyển mộ, sách Đại Nam thực lục chính biên - Đệ thất kỉ cho thông tin chi tiết hơn, chẳng hạn trong giai đoạn 1916 - 1917, “đến kì ra triều, Bộ binh đem danh sách lính chiến và lính thợ ứng mộ qua Tây tâu lên (19.250 người, trong đó lính chiến có 5.140 người, lính thợ có 14.110 người).
Hoặc đoạn sau: “Vua nói: Việc mộ tiếp 10.000 lính chiến lính thợ qua Tây đã đủ chưa? Thượng thư bộ binh Nguyễn Hữu Bài tâu nói: Định mộ ở Trung Kì 5.000 người, nay đã tuyển được 3.000, còn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, hiện mới hiểu dụ tuyển mộ. Duy kì này thời gian hơi hạn hẹp, thần đã đề đạt với Khâm sứ đại thần biết rõ.
Vua nói: Trẫm nghe nói người ứng mộ thì nhiều nhưng việc chọn để lấy thì quá khắt khe. Thượng thư Bộ học Hồ Đắc Trung tâu nói: Khâm sứ đại thần nói ở quý quốc gần đến tiết thu đông, chọn tuyển lính chiến lính thợ được người khỏe mạnh mới có thể chịu nổi giá rét”.
Đại Nam thực lục chính biên - Đệ thất kỉ cho biết, vào năm 1917 tổng số và hiện tình phân phái số lính mộ qua Tây (nguyên mộ hơn 81.400 người, hội đồng tuyển được 7.050 người vào hạng lính chiến, 25.844 người vào hạng lính thợ, 1.328 quân vào hạng tiêu binh), tổng cộng 34.222 người. Trong đó trước bắt đầu mộ được lính chiến lính thợ 25.196 người. Trong đó trước nước Đại Pháp hoặc đã tháp tùng quân đội quý quốc ra chiến trường, hoặc phái tới xưởng chế tạo đạn pháo quân lương các xưởng, lần sau mộ thêm lính chiến 1.907 người, lính thợ 5.791 người, tiêu binh 1.328 người, kể đã tùy nghi đưa tới Hải Phòng, Đà Nẵng lên tàu tới Pháp”.
Đặc biệt, đối với những người lính sang Pháp, triều đình nhà Nguyễn cũng có sự quan tâm, thăm hỏi. Cụ thể, nam 1917 vua Khải Định đã “chuẩn phái Tri huyện Đông Sơn Hồ Đắc Khải sung qua Tây thăm hỏi binh thợ Đông Pháp (lúc đầu Đắc Khải xin sung Quản đốc binh thợ qua Tây, về sau viên sung chức ấy chết). Lúc lên đường vua ban cho một cái áo chiến, bài ngà (trong khắc chữ Sung kiểm Đông Dương tượng binh) và kim khánh, đều một tấm”.