Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh, tổ chức đào tạo linh hoạt, hiệu quả; định hướng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề, thực hành, thực tập; đào tạo gắn với việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Những kết quả tích cực
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái) cho biết: “Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động được giao; cụ thể hóa thành các kế hoạch chi tiết xuống các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động; chú trọng công tác tuyển sinh học nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; tư vấn giải quyết việc làm.
Trong năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 20.000 người (đạt 110% kế hoạch), trong đó: Cao đẳng 1.627 người, trung cấp 3.374 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng gần 15.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh hết năm 2022 đạt 66,1%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 34,9%”.
Năm 2022, Yên Bái đã giải quyết việc làm cho hơn 22.000 lao động (đạt 114,6% kế hoạch); trong đó từ chương trình phát triển kinh tế xã hội hơn 11.000 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 2.700 người, xuất khẩu lao động 284 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài hơn 8.300 người.
Bên cạnh đó đã chuyển dịch được gần 8.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 119,5% kế hoạch); lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, bán hàng...
Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 55,68%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ là 44,32%.
Liên kết với doanh nghiệp để dạy nghề
Một giải pháp được triển khai hiệu quả trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tại Yên Bái là sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương với các trường học và các doanh nghiệp cần tuyển lao động.
Qua đó, đã tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày hội tư vấn tuyển sinh - việc làm; phiên giao dịch việc làm; tổ chức công tác kết nối, làm việc giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng mối quan hệ công tác, kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như: Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đã ký hợp đồng phối hợp đào tạo và cung ứng lao động cho hơn 30 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Trường Cao đẳng Yên Bái liên kết đào tạo cung ứng lao động cho 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hợp tác với 2 bệnh viện; 8 trung tâm y tế trong tỉnh và ký hợp đồng với 1 công ty xuất khẩu lao động đào tạo nghề Điều dưỡng với kết hợp với học ngoại ngữ nhằm cung ứng lao động phục vụ xuất khẩu lao động sang các thị trường Nhật Bản, Đức...”.
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã ký hợp đồng với 15 công ty, doanh nghiệp; trong đó đã liên kết với Công ty TNHH May và Thương mại Việt Thành (Bắc Ninh), Công ty May 10 (Hà Nội) cho các em học sinh đi thực tập tại doanh nghiệp, đồng thời tổ chức thi tốt nghiệp hệ trung cấp cho các em học sinh tại doanh nghiệp. Trong thời gian thực tập thực tế tại doanh nghiệp; các em học sinh được doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và trả tiền công theo sản phẩm làm ra, bình quân mỗi em học sinh trong thời gian thực tập có thu nhập từ 3,5 - 4,0 triệu đồng/tháng.
Ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Các doanh nghiệp đã phối hợp, cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trả công cho giáo viên, học sinh, sinh viên khi tham gia thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và làm ra sản phẩm, tạo ra hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; ký hợp đồng tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Thông qua các hợp đồng ký kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên được bố trí thực tập, đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều sẵn sàng cam kết tạo việc làm đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp khi thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh đầu vào.”
Chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp
Với mục tiêu bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động; trong đó: Từ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương: 10.380 lao động; Từ vay vốn quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm: 1.560 lao động. Từ xuất khẩu lao động: 710 lao động; Lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài: 6.850 lao động.
Tiếp tục tuyển mới đào tạo nghề 18.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,4%. Đặc biệt chú trọng chuyển dịch cơ cấu 7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp năm.
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương hiện tốt công tác hướng nghiệp phân luồng, tuyển sinh học sinh từ THCS và THPT vào học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tập trung tuyển sinh nhóm lao động trong độ tuổi từ 15 - 35 đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đào tạo các nghề phi nông nghiệp, nhất là các nhóm nghề cơ khí, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các ngành, nghề trọng điểm quốc tế, Asean và quốc gia; đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đạt đầy đủ các tiêu chí trường chất lượng cao vào năm 2025.
Hiện đại hóa hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động và tăng cường các kênh giao dịch việc làm. Xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối với hệ thống giao dịch việc làm quốc gia nhằm hỗ trợ, cung cấp kịp thời thông tin đến người lao động và người sử dụng lao động; hỗ trợ hiệu quả người lao động tìm kiếm việc làm.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động của Quỹ quốc gia về việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm".
6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động (đạt 66,3% kế hoạch); trong đó từ chương trình phát triển kinh tế xã hội hơn 6.200 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm gần 1.300 người, xuất khẩu lao động 147 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài hơn 5.000 người. Bên cạnh đó, đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 9.872 người; chuyển dịch được gần 5.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp…