Theo Bộ LĐ-TBXH, kết quả thực hiện lĩnh vực lao động - việc làm trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát và các chỉ số về việc làm có dấu hiệu tích cực.
Báo cáo tình hình lao động - việc làm từ 40 tỉnh, thành phố cho biết, đến hết ngày 20/5/2023, có khoảng 509 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Con số này chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, 279 nghìn lao động bị mất việc, thôi việc; số lao động giảm giờ làm là 195.039 người; 17.003 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương; số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người...
Lao động mất việc làm tập trung tại các ngành thâm dụng lao động như sản xuất da giày, may mặc, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử... tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù có tình trạng doanh nghiệp ở một số ngành/nghề đang gặp khó khăn dẫn đến phải cho lao động nghỉ giãn việc hoặc nghỉ việc, song vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao, nhu cầu tuyển dụng trong 5 tháng đầu năm là 410,1 nghìn lao động, cao hơn nhiều so số lao động bị mất việc, thôi việc.
Tuy nhiên, do tính chất, đặc điểm của việc làm của thị trường Việt Nam (số lao động khu vực phi chính thức lớn…), nên mặc dù số lao động mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất có xu hướng tăng, nhưng tổng thể chung của cả nước, tình hình lao động - việc làm vẫn trong tầm kiểm soát. Dự kiến tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì mức dưới 4%.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ LĐ-TBXH dự báo thị trường lao động cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng.
Cùng với đó là sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Từ nay tới cuối năm, Bộ LĐ-TBXH tập trung cho công tác xây dựng thể chế theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm của nội dung này là hoàn thiện, trình Quốc hội Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hồ sơ Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Trong đó, thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước; tăng cường kết nối và điều tiết cung-cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.
Rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin truyền thông...).
Mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, báo cáo về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả và đã đạt được những thành tựu quan trọng, được nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề; trong 5 tháng đầu năm có 510 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm... để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại, chú trọng các chính sách tạo việc làm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.