Sáng nay 12/7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 662 ca mắc Covid-19 mới, nhiều nhất trong đó vẫn là TP. Hồ Chí Minh với 544 ca. Việt Nam chính thức vượt 30.000 ca bệnh (30.478 ca), gấp hơn 10 lần thời gian từ đầu vụ dịch đến ngày 27/4.
Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức và một số chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Bởi vậy, nhu cầu sử dụng hàng hóa thiết yếu tại các hệ thống phân phối hiện đại tăng lên gấp nhiều lần so với trước thời điểm chính quyền áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Thành phố giao Sở Công thương đẩy mạnh tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng.
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đang ngày đêm dốc toàn lực để cung ứng đầy đủ và thường xuyên nhu yếu phẩm, đảm bảo hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay là các nhân viên làm việc ở tuyến đầu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu lại không không đưa vào nhóm được ưu tiên vacxin (Công văn ngày 8/7 của Bộ Y tế).
Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan hiện có 30 nhà máy, trong đó có các tổ hợp chế biến thực phẩm, đặt tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Hệ thống bán lẻ hiện đại VinMart, VinMart+ của Masan có gần 2.500 điểm bán lẻ phủ rộng trên cả nước .
Tổng cộng, Masan có gần 40.000 nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6.500 nhân viên được tiêm vacxin phòng Covid-19.Theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 8/7 về Kế hoạch tiêm vacxin phòng dịch Covid-19 năm 2021 – 2022, nhóm nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm không nằm trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Điều này gây nên sự bất cập và có thể là “lỗ hổng” trong công tác phòng chống dịch bệnh.Tập đoàn Masan kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này.
Trước đó, vào sáng 8/7, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi đồng ý với đề xuất của Thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0h ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố để bàn, thống nhất nhận thức, quan điểm, mục tiêu, giải pháp và kêu gọi nhân dân thành phố vào cuộc cùng hệ thống chính trị để thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hiện nay TP. Hồ Chí Minh ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch Covid-19, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện giãn cách xã hội, song vẫn phải giữ cho cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn nhiều, an ninh, trật tự được bảo đảm. Dứt khoát không để người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, thiếu nhu cầu tối thiểu, nhất là đối với lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.