Sáng 5/1, tại nhà máy Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, Hậu Giang), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã phát lệnh lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu năm 2021.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, năm 2020 là năm nhiều khó khăn thử thách, nhất là dịch bệnh nhưng xuất khẩu tôm nuôi vẫn phát triển khá ấn tượng. Trong năm, Minh Phú đã xuất khẩu được 55 ngàn tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD. Mục tiêu năm 2021 là 71 ngàn tấn tôm, kinh ngạch 790 triệu USD. Hiện Minh Phú đang là đơn vị đi đầu trong ngành tôm, từ gia hóa, sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao, ông Quang cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh, việc Bộ NN-PTNT chọn Minh Phú Hậu Giang là đơn vị làm lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu tiên của năm 2021 là tín hiệu vui cho xuất khẩu nông thủy sản đặc biệt là ngành tôm.
Năm 2020, Hậu Giang đã giữ vững tốc độ phát triển kinh tế, với 18/19 tiêu chí kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 615 triệu USD, riêng lĩnh vực thủy sản đóng góp gần 280 triệu USD.
Theo Cục Chế biến và Thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn của thể giới. Các doanh nghiệp thời gian qua đã tập trung vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, năm 2021 xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. Việc tham gia các hiệp định song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được thuận lợi hơn.
“Cục cũng tổ chức các chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá để tạo điều kiện cho xuất khẩu. Đồng thời, sẽ tổ chức sự kiện đưa hàng từ phía Nam ra Bắc tiệu thụ nhằm kích thích thị trường tiêu thụ nội địa”, ông Toản nói.
Cùng nhận định ngành tôm trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – Vasep, cho rằng: “Nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu thủy sản chế biến sẵn ăn tại nhà sẽ tăng mạnh”.
Vasep dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng so với năm 2020 khoảng 10%, đạt khoảng 9,7 tỷ USD. Riêng tôm chế biến tăng trưởng 15%, đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4-4,4 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu này, cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, giảm giá thành tôm nguyên liệu, trong đó riêng sản lượng tôm thẻ cần đạt 1 triệu tấn. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ, chế biế chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.
Mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu là một thông điệp chúng ta gửi đến bạn bè toàn thế giới, không chỉ về về chất lượng, sự an toàn khi sử dụng mà sâu sắc hơn là bản lĩnh của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, kết nối giao thương. Thể hiện trách nhiệm của những con người Việt Nam khi tham gia vào guồng máy sản xuất, cung cấp thực phẩm toàn cầu trước bất cứ khó khăn nào.
Khó khăn dịch bệnh nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2020 của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,4 tỷ USD.
Ngay từ những ngày đầu năm mới, vụ nuôi tôm mới, các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng, quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu. Các Hội, Hiệp hội vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến)