| Hotline: 0983.970.780

Lô trái cây đầu tiên đi Châu Âu theo Hiệp định EVFTA

Thứ Tư 16/09/2020 , 06:02 (GMT+7)

Ngày 17/9, tại trụ sở Cty VINA T&T Group (Bến Tre) sẽ diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô hàng hoa quả đi Châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cùng đại diện EU, một số nước thành viên tại Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và TGĐ Cty VINA T&T Group sẽ cắt băng phát lệnh xuất phát đoàn xe chở lô hàng hoa quả xuất khẩu sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra vườn bưởi da xanh nhân chuyến công tác kiểm tra tình hình ứng phó hạn mặn tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra vườn bưởi da xanh nhân chuyến công tác kiểm tra tình hình ứng phó hạn mặn tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Riêng đối với ngành rau quả Việt Nam có lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh thái với khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả.

Diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng nhanh. Năm 2019, diện tích cây ăn quả đạt 964 nghìn ha, tăng 56,4 nghìn ha so với năm 2018, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 6%/năm.

Những năm gần đây, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1-6 năm).

Cụ thể, xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi…

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Long An. Ảnh: Minh Đãm.

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Long An. Ảnh: Minh Đãm.

Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam. Đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Từ sự kiện này mở ra tiềm năng mới, xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. 

Theo ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công thương Bến Tre, với việc Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Bến Tre.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có những động thái nghiên cứu, thăm dò và hoạch định các chiến lược thâm nhập thị trường này từ lâu. Nhất là các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn. Riêng mặt hàng dừa xiêm xanh đã thâm nhập được vào thị trường EU.

Các mặt hàng khác như nhãn, sầu riêng, bưởi da xanh... đã có doanh nghiệp xuất khẩu thử nghiệm, thăm dò. Kỳ vọng sắp tới là các mặt hàng dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng. Các mặt hàng này sẽ đẩy mạnh quảng bá thông qua các tham tán thương mại, hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn vẫn là tạo vùng nguyên liệu đủ lớn có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nguyên nhân, phần lớn quy mô diện tích hộ khá thấp. Trong khi đó, để làm một vùng nguyên liệu thì cần liên kết rất nhiều hộ.

Hiện nay, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh EVFTA, tận dụng cơ hội đưa các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh xâm nhập vào EU. Trong đó, Bến Tre sẽ chú trọng tạo liên kết vùng trồng, chứng nhận xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng.

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD (chiếm 73,54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU), trong đó các loại trái cây chưa qua chế biến (tươi, khô, đông lạnh...) chiếm tới 49,6% (so với cùng kỳ 2019 là 49,9%), trái cây chế biến chiếm 33,4% (cùng kỳ 2019 là 35,9%). Các mặt hàng cụ thể như: bưởi đạt 475,5 nghìn USD giảm 60,2%; dừa đạt 3,73 triệu USD giảm 1,1%; thanh long đạt 4,4 triệu giảm 15,5% so với cùng kỳ 2019.

Xem thêm
Bộ NN-PTNT đề nghị cử tri cung cấp thông tin 'cò lúa' để xử lý

ĐỒNG THÁP Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cử tri cung cấp thông tin thương lái nào ép giá nông sản hoặc cơ sở nào bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng để xử lý nếu có sai phạm.

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp từ ghế nhà trường

Ngày 8/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo 'Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông'.