| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay tìm nguồn vốn chống hạn, mặn

Thứ Tư 09/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Trước tình hình mặn xâm nhập vào sâu và kéo dài, hạn hán, các tỉnh ĐBSCL đang phải khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên cái khó hiện nay là các tỉnh rất thiếu vốn để thực hiện công việc này.

Ở Tiền Giang, xâm nhập mặn, hạn nghiêm trọng nhất đang xảy ra tại các huyện Tân Phú Trung, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân 3 huyện, thị xã nói trên, tỉnh Tiền Giang đã đề xuất với Bộ NN-PTNT phương án cải tạo cửa cống lấy nước Xuân Hòa theo hình thức chủ động đóng mở, đồng thời xây dựng Trạm bơm điện Xuân Hòa (cạnh cống Xuân Hòa) để bơm bổ cấp nước ngọt kịp thời cho vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Tổng kinh phí dự kiến cho những công việc nói trên vào khoảng 250 tỷ đồng. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, đến giờ chưa biết lấy kinh phí ở đâu để thực hiện.

Ở Vĩnh Long, để phòng chống nguy cơ thiếu nước ngọt, tỉnh cũng đang rất cần làm gấp hệ thống kênh nối sông Tiền và sông Hậu, với nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng cũng chưa biết lấy kinh phí ở đâu…

Đối với những giải pháp khác như đắp đậm tạm để ngăn mặn, trữ ngọt, nạo vét kênh mương…, các tỉnh cũng đang rất thiếu vốn để thực hiện, bởi tính ra ở mỗi tỉnh đều cần khoản vốn không nhỏ. Riêng nguồn vốn dùng để đắp các đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét cấp ngay cho mỗi tỉnh khoảng 50-60 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, hầu hết các kênh rạch trên địa bàn đã cạn kiệt, các kênh cấp 2, cấp 3 gần như khô đáy, chỉ còn 3-5 tấc nước. Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh việc nạo vét thi công các công trình, kênh trục, dự kiến chi gần 100 tỷ đồng. Nhưng nguồn vốn ngân sách có hạn nên không xử lý được hết những vấn đề bức xúc trong phòng chống hạn, mặn.

Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, dự trữ tài chính dự phòng thiên tai của 13 tỉnh, TP ở ĐBSCL hiện rất thấp. Toàn ĐBSCL hiện chỉ có trên dưới 1.400 tỷ dự phòng thiên tai, trong đó có tới 7 tỉnh mức dự phòng thiên tai chỉ dưới 100 tỷ đồng. Mà theo dự báo của Bộ Tài chính, phần ngân sách sẽ phải sử dụng hỗ trợ, khắc phục thiên tai ở ĐBSCL năm 2016 khoảng 1.000 tỷ. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương ĐBSCL đã đề nghị hỗ trợ, khắc phục thiên tai tới 3.400 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015-2016 (gồm 39 địa phương, trong đó có các tỉnh ĐBSCL), tổng kinh phí hỗ trợ là 623,8 tỷ đồng); xem xét hỗ trợ 215 tỷ đồng cho các địa phương để mua giống, khôi phục sản xuất trên các diện tích bị hạn hán, xâm nhập mặn; tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn (mỗi địa phương khoảng 50 tỷ đồng, tổng cộng 650 tỷ đồng) để đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí 1.060 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư xây dựng một số công trình, hạng mục công trình đưa vào sử dụng phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn như: Đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang, dài 30 km, kinh phí 260 tỷ đồng); xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt như trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang, vốn 250 tỷ đồng), cống Thủ Cựu (Bến Tre, vốn 300 tỷ đồng); thay thế các cống đóng mở tự động bằng đóng mở cưỡng bức để chủ động lấy nước ngọt (khoảng 250 tỷ đồng).

Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ qua Bộ NN-PTNT giai đoạn 2016-2020 cho các dự án quan trọng có tác động liên vùng như cống Cái Lớn - Cái Bé; cống Tha La - Trà Sư; âu Ninh Quới và hệ thống chuyển nước cho nam Quốc lộ 1A; kênh Mây Phốp - Ngã Hậu; sạt lở bờ biển Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; hệ thống thống Nam Bến Tre; hệ thống ngăn mặn, tiếp ngọt Vũng Liêm - Vĩnh Long; hệ thống ngăn mặn Chắc Băng.

Điều đáng nói là một số tỉnh ĐBSCL lại chậm báo cáo hậu quả thiệt hại lên Chính phủ. Tại cuộc họp về phòng chống hạn, mặn ở ĐBSCL vào ngày 7/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết toàn ĐBSCL có 13 tỉnh, TP, nhưng đến nay mới chỉ có 9 địa phương báo cáo thiệt hại lên Chính phủ, và đã được phê duyệt hỗ trợ tổng cộng 137 tỷ đồng.

Trong khi đó, những tỉnh bị ảnh hưởng nặng, đã công bố thiên tai như Tiền Giang, Long An… lại chưa thấy gửi báo cáo thiệt hại để Chính phủ có thể hỗ trợ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Những mốc son của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An

Giai đoạn 2016 - 2024, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An đạt được nhiều thành tích vang dội, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.