Trong các ngày 30/4, 2-3-4/5, lốc xoáy liên tục xuất hiện tại địa bàn nhiều xã thuộc huyện Thanh Chương, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều xã, diện tích ngô Xuân gần như đã bị xóa sổ; lúa Xuân đang ngậm sữa, hoặc chắc xanh bị ngã rạp xuống ruộng; hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái và gây thương tích cho 4 người…
Nông dân ra đồng cắt ngô bị gãy đổ về làm thức ăn cho trâu bò
Những trận lốc kinh hoàng
Ông Phạm Xuân Thảo, chủ một ki ốt kinh doanh vật tư nông nghiệp tại chợ Phuống (xã Thanh Giang) kể lại câu chuyện mà vẻ mặt chưa hết bàng hoàng: “Khoảng 16h30 ngày 4/5, trời đang nắng bỗng mây đổ về giăng tứ phía, gió rít từng cơn, bụi tung mù trời. Những trận gió xoáy tít kèm theo mưa lớn vờn qua, vờn lại khiến cây cối dọc tỉnh lộ 533 gãy đổ rào rào, mái proximăng bị gió giật tốc lên rơi lả tả khắp nơi, tôn mái bị gió giật bung ốc vít bay loảng xoảng khắp nơi. Chúng tôi sợ quá, bỏ ki ốt chạy sang nhà bên cạnh để tránh. Gần 1 giờ sau thì cơn lốc dừng hẳn, tôn, proximăng bay ngổn ngang khắp nơi. Cánh đồng lúa, ngô bị xanh tốt là thế bị lốc xoáy quật tơi tả. Ki ốt nhà tôi bị tốc hoàn toàn, toàn bộ phân bón, thuốc BVTV bị ướt sạch”.
Chúng tôi có mặt trên cánh đồng ngô ven sông Lam của xã Thanh Giang, người dân đang tất bật đưa xe bò lốp ra đồng dọn những cây ngô bị ngã đem về làm thức ăn cho trâu bò. Ai nấy đều ngán ngẩm nhìn cả cánh đồng ngô trên 40 ha mới trổ cờ xong đã bị sang phẳng, ngô bị gãy đổ nằm bẹp xuống mặt đất từ đầu đến cuối bãi.
Nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ
Ông Nguyễn Văn Thụ trú tại xóm Nghi Xuân chỉ vào sào ngô của mình xót xa: “Cả mấy chục ha ngô của bà con ở đây từ lúc trổ cờ đến nay đã bị hai trận lốc liên tiếp, chẳng có lấy một cây nào đứng thẳng được nữa. Năm nay mất trắng vụ ngô xuân rồi! Mấy sào lúa của nhà tôi đang vào chắc xanh cũng ngã rạp hết, không biết sắp tới lấy gì mà ăn nữa!”.
Chúng tôi ghé vào Trường THCS Đặng Thai Mai, đóng trên địa bàn xã Thanh Xuân, chứng kiến cảnh thày và trò cả trường đang hối hả đưa các dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng dạy học ra sân phơi nắng.
Thày Võ Đình Nho, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hai trận lốc liên tiếp khiến trường thiệt hại nặng nề, 29 gian nhà xe; nhà thực hành, phòng học, phòng làm việc, nội trú đều bị tốc mái. 37 cây keo, bạch đàn trong khuôn viên nhà trường bị quật gãy… Nhiều tài liệu, hồ sơ, đồ dùng dạy học bị hư hỏng nặng…, thiệt hại ước tính sơ sơ cũng phải trên 100 triệu đồng. Chúng tôi đang sắp xếp, phơi phóng lại đồ dùng dạy học, dọn cây cối, báo cáo lên UBND huyện để xin hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại để hoàn thành nhiệm vụ năm học”.
Thấy chúng tôi ghé qua, vợ chồng ông Trần Văn Thích ở xóm Xuân Liên (Thanh Xuân) đang lợp lại mái nhà, ông Thích rơm rớm nước mắt: “Trận lốc ngày 3/5, nhà để rơm bị tốc mái hoàn toàn. Trận lốc ngày 4/5, một phần mái trước ngôi nhà đang ở lại bị tốc mái tiếp, ngô trong vườn, lúa ngoài đồng đều ngã gãy hết, mít đang thời kỳ quả non cũng rơi xuống đất sạch. Lốc chồng lên lốc thế này, nông dân chúng tôi lấy gì mà ăn hả anh?”.
Nhà để xe trường THCS Đặng Thai Mai tan hoang sau 2 trận lốc xoáy
Tại xã Thanh Xuân còn nhiều hộ cùng chung cảnh ngộ như ông Thích. Sau trận lốc ngày 3/5, ông Bùi Xuân Nghiêm vừa mua 20 tấm proximăng về lợp lại mái nhà xong thì trận lốc ngày 4/5 đã xóa sổ luôn toàn bộ mái vừa mới lợp.
Hậu quả để lại nặng nề
Ông Giản Quốc Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, hai trận lốc xoáy nói trên đã khiến 300 ngôi nhà trên địa bàn xã Thanh Giang bị tốc mái; 40 ha ngô thời kỳ trổ cờ, phun râu; 90 ha lúa thời kỳ ngậm sữa ngã rạp. Thiệt hại chưa thống kê cụ thể nhưng có thể lên đến vài tỉ đồng...”.
Còn tại xã Thanh Xuân, theo thống kê ban đầu, cả 4/4 ngôi trường đóng trên địa bàn đều chịu thiệt hại nặng nề; có 4 người bị thương; 41 ngôi nhà bị tốc mái, 364 hộ có chuồng trại bị hư hỏng, 1 con trâu bị sét đánh chết, nhiều cột điện bị gãy đổ, gần 3,5 nghìn tấm pro xi măng bị phá hỏng; 2 nhà văn hóa xóm bị tốc mái, gãy đổ 2 dãy ki ốt chợ Đàng. Về sản xuất nông nghiệp, có 144 ha lúa đang trổ bông, ngậm sữa; 35 ha sắn, 25 ha ngô, 37ha cây lâm nghiệp bị đổ.
Ông Nguyễn Khánh Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết thêm: “Đó mới chỉ là những con số thống kê sơ bộ sau trận lốc ngày 3/5. Trận lốc chiều 4/5 thì hiện chúng tôi đang cho thống kê nhưng con số thiệt hại có thể gấp 2 - 3 lần trận lốc trước đó. Xã đã thành lập các đoàn công tác về tận các xóm để thống kê thiệt hại, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống”.
HS trường THCS Đặng Thai Mai phơi đồ dùng dạy học bị ướt
Thông tin từ UBND huyện Thanh Chương cho biết, ngày 30/4 và 2/5, lốc xoáy đã cùng lúc xuất hiện tại các xã Thanh Lương, Thanh Dương, Xuân Tường, Thanh An, Thanh Long, Thanh Lâm, Phong Thịnh….
Theo thống kê của UBND huyện Thanh Chương (chưa tính 2 cơn lốc xảy ra vào chiều 3 - 4/5, lốc xoáy đã làm tốc mái 17 ngôi nhà; làm vỡ, hư hỏng hơn 1.000 tấm lợp proximăng và hơn 350 m2 tôn lạnh; làm ướt 1.000 kg chè búp sấy khô.
Về nông nghiệp, tổng diện tích bị thiệt hại là 494,37 ha. Trong đó, có 69,3 ha lúa bị sạt đổ (45,2 ha thiệt hại trên 70% và 24,1 ha thiệt hại từ 30 - 70 %). Tổng diện tích ngô vụ xuân bị gãy, đổ là 425,1 ha ( thiệt hại trên 70% là 332,8 ha, thiệt hại từ 30 - 70 % là 92,3 ha). Lốc tố lớn đã làm gãy, đổ, bật gốc hơn 420 cây ăn quả các loại, 10 ha keo; cây đổ đè chết 1 con trâu trên 24 tháng tuổi. Tổng thiệt hại do mưa lớn và gió lốc gây ra ở hai trận lốc xảy ra vào 2 ngày 30/4 và 2/5 ước tính 13,6 tỷ đồng.
Ngày 5/5, ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương cho biết thêm: “Sau nhiều trận lốc xoáy, toàn huyện Thanh Chương đã có trên 300 ngôi nhà bị tốc mái, 4 người bị thương nhẹ; trên 300 ha ngô bị gãy đổ hoàn toàn; có gần 200 ha lúa sắp chín và vào sữa bị đổ rạp; cây cối đổ ngã rất nhiều, một số trường học bị thiệt hại nặng, nhiều cột điện bị gãy đổ. Hiện nay, UBND các xã đã cử lực lượng nhanh chóng vào cuộc, lợp lại mái nhà, kịp thời ổn định đời sống cho các hộ bị thiệt hại. Đối với hoa màu bị mất, chúng tôi sẽ thống kê cụ thể, động viên bà con ra đồng thu hoạch vớt vát được chừng nào hay chừng ấy. Đối với một số diện tích ngô bị ngã rạp, chúng tôi sẽ liên hệ với các công ty nuôi bò sữa thu mua cho bà con nông dân. Một số diện tích có thể khắc phục thì tuyên truyền, động viên bà con chống đỡ dậy để cây ngô tiếp tục sinh trưởng, phát triển”.
Trước đó, ngày 29/3, một trận lốc xoáy mạnh đã xảy ra tại các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ làm gãy đổ gần 700 ha ngô, 300 ha màu mất trắng; 57 nhà dân bị tốc mái; trường mầm non Kỳ Tân bị tốc mái hoàn toàn…
Ngày 30/4, lốc xoáy tiếp tục xảy ra tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương khiến 52 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.
Ngày 2/5, trận lốc xoáy kéo dài 30 phút đã xuất hiện tại xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, khiến 40 ngôi nhà bị tốc mái, 5 bà cháu trong một ngôi nhà may mắn thoát chết.