| Hotline: 0983.970.780

Lời khao khát từ trái tim người lính năm xưa

Thứ Bảy 17/09/2022 , 12:20 (GMT+7)

'Tôi, em và một...' của tác giả Trần Trí Thông bất ngờ hiện ra như bộ phim tài liệu, phản ánh thời gian khó, máu lửa, hy sinh… nhưng không kém phần vinh quang.

Câu thơ viết trên ngọn rau rừng vẫn xanh màu Trường Sơn hùng vĩ. Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi bảy năm, nhưng trong ký ức những người lính nó vẫn mới ngày hôm qua, cùng với những giấc mơ đời thường giản dị thường trực trong giấc ngủ. Rồi “Tôi, em và một...” của tác giả Trần Trí Thông bất ngờ hiện ra như bộ phim tài liệu, phản ánh thời gian khó, máu lửa, hy sinh… nhưng không kém phần vinh quang tự hào, cho một thế hệ thanh niên Việt Nam đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

1 tac pham

Tập thơ "Tôi, em và một..." của cựu binh Trần Trí Thông.

Và một người lính năm xưa là Trần Trí Thông viết: “Trong ký ức chiến tranh của tôi/ Trường Sơn xanh như chưa hề cạn bao giờ/ Thổn thức trong mơ / Xanh đẫm màu áo lính…”. Trường Sơn huyền thoại dưới bom đạn vô cùng ác liệt của giặc, “vẫn che bộ đội”  vẫn cùng nhân dân “vây quân thù”. Có biết bao chiến sĩ đã tạc dáng hình của mình vào Trường Sơn, để rồi Trường Sơn mãi mãi trở thành một địa danh linh thiêng, mà mỗi lần ta đến đó, đất dưới chân ta nóng lên bỏng rát của chiến trường ác liệt: “Trường Sơn/ Ngôi đền thiêng/ Bao dung như lòng Mẹ/…/Bốn mươi năm trở lại/ Gặp một Trường Sơn xanh hung vĩ/ Gặp tuổi hai mươi trên đường đi đánh Mỹ/ Trường Sơn ơi!”.

Lại có những câu thơ viết trên ngọn gió, đầu sóng nơi tiền đồn “phên giậu”, có những người lính đang bảo vệ chủ quyền biển đảo. Còn nơi hậu phương luôn có những điểm tựa vững chắc cho tiền tuyến anh hùng: “Anh có ngàn đêm đứng gác biển trời / Chị có ngàn ngày thay anh lo cho mẹ cha và con nhỏ/…/ Lấy chồng thời bình cũng thương thương lắm chị tôi”. Tác giả Trần Trí Thông luôn luôn có thơ cho ngày thăm lại chiến trường xưa, anh viết tưởng nhớ đồng đội, những người đã nằm xuống cho đất nước đứng lên. Thơ của anh không mang ước vọng triết lý cao xa, nhưng mà là chân lý của thực tiễn đời sống, nên sẽ đi vào lòng người và hạ trại lâu nơi ấy.

Những bước chân hành quân vạn dặm qua mọi miền đất nước. Tác giả Trần Trí Thông không băng qua sa mạc, mà đến với từng ngọn cỏ, chòm cây, chịu nắng lửa mưa dầu, với núi cao chụm đầu mây bạc, những sương mờ lưng chừng đèo dốc ngang trời, cùng các sơn nữ khúc khích tiếng cười trong đêm lễ hội, để rồi: “Căng dây đàn Tính so lời khát khao”, hay những không gian cồng chiêng bên ché rượu cần vít cạn: “Rượu say rót giữa vội vàng/ Mềm môi chạm phía đại ngàn đẫm trăng”…

Hình tượng “Em” được tác giả Trần Trí Thông xây dụng đưa vào thơ là để làm nổi bật lên một miền đất tác giả đã mê say cái đẹp, cái tráng kiệt của thiên nhiên, cái chân thành của tấm lòng Sơn nữ, đối thoại với chính mình, rồi bất chợt những câu thơ cứ thế rung, lên bay vào cái không gian huyền ảo của đại ngàn: “Một mình tôi với Lạng Sơn / Sao em đẩy hết dỗi hờn sang đây? / Mẫu Sơn ngái ngủ trong mây / Xòe tay em hứng tuyết đầy tóc tôi… / Chàm xanh nhuộm mắt em cười / Căng dây đàn tính so lời khát khao”…

Tác giả  chấm phá bức tranh “thâm sơn cùng cốc” của núi rừng Việt Bắc với đầy đủ trời, mây sương khói hòa quyện trong tình người nết đất, làm cho bao nhiêu du khách không biết bao giờ mới thôi lưu luyến đắm say: “Mã Pí Lèng vó ngựa xa / Dốc vào khúc khuỷu đường ra chòng chành/ Tiếng khèn ai lượn thung xanh/ Vướng vào thổ cẩm dệt thành gấm hoa / Màu Tam giác mạch kiêu sa/ Em  gùi gió núi mây là đà theo/ Khép đêm trong tiếng sáo Mèo/ Bếp Mông reo lửa bóng treo bập bùng”…

Hay khi vể đỉnh Pu Ta Leng của miền Tây Bắc đứng ở độ cao 3049m so với mặt nước biển, ta thấy con đèo Ô Quy Hồ dài 50km tuyệt đẹp và rất thơ: “Đèo cao như sợi tơ trời/ Khâu mây vào nắng khâu người vào ta/ Khâu rừng vào vạt sương xa/ Khâu đêm vào chuỗi tiếng gà gáy hoang/ Khâu nương vào ruộng bậc thang/ Thêu hoa văn phía mùa màng bội thu”.  

2 tac pham

Nhà thơ Trần Trí Thông.

Tạm biệt núi rừng Tây Bắc, tác giả đưa ta về với miền Tây sông nước bao la, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, tít tắp chân trời. Nhịp điệu thơ lại khoan thai như lời sông nước, chầm chậm phù sa: “Chiếu ca tài tử sông Tiền/ buông câu vọng cổ vít nghiêng góc trời”. Tiếng bìm bịp gom chiều với sự hiền hòa của cây bần, cây đước chắn sóng đại dương. Nơi chín con rồng vắt mình qua cổ tích, lắng thời gian vào trầm tích phù sa, những câu thơ đang nhặt dấu chân người đi mở cõi vẫn còn tươi nguyên gian khó lưu dân: “Vĩnh Long riêng một Vĩnh Long / Phù sa đổ khúc chín dòng vào tôi / Miệt vườn trái ngọt hoa tươi / Hương sen tỏa ngát nụ cười nết na/ …/ An Bình thương lắm đò ơi! / Tóc nơ cài gió rối bời bến sông / Áo em thêu giọt nắng hồng / Để bao con sóng phải lòng cù lao../Thanh gươm ai dựng sơn hà / Dấu chân mở cõi thuận đà thiên cơ / Khí thiêng Văn miếu Long Hồ/ Bút nghiên uy vũ - trời thơ kiêu hùng”!

Những dịp tác giả trở về với “nơi chôn rau cắt rốn”. Đi dọc chợ làng, biết bao nhiêu những mảng hồi ức hiện về, dẫm đạp lên nhau rối ren bao mối tơ lòng cho thơ dệt thành khúc nhạc ngày về: “Vay xuân một chút giao thừa / Chợt nghe náo nức chuyển mùa sang em” hoặc “Quê xa ngàn dặm bỗng gần / Đầu làng bất chợt tần ngần bóng đa”.

Lúc ghé qua nông trường, tác giả đã gửi lại lòng mình cho những cô gái góp đôi tay, đôi vai cho dòng vàng trắng tuôn ra: “Lửa thanh niên xung phong / Bập bùng đêm miền Đông / Mái tóc em ngát hương thời con gái / Và chính em đã làm mùa xuân hờn dỗi / Chưa hết ngày / Con suối cuối rừng / Thấp thoáng trăng lên/…/ Dầu Tiếng ơi / Xin lỗi hẹn cùng em / Ngày về sao ngắn thế / Chút nấn ná níu đôi tà áo/ Để bước bâng khuâng vấp víu nhớ nông trường”.

Tác giả có nhiều bài viết về Mẹ rất ấn tượng, nhưng Mẹ đã khuất núi đi xa, tác giả như nói với chính mình về Mẹ ngày xưa, đôi bàn tay “nết na” đã từng gói cả “tiếng gà gáy” sang canh, trong miếng mo cau quê nhà cùng nắm cơm, làm hành trang cho anh lên đường ra trận. Mà ngày về: “Mẹ nương cánh hạc cuối trời / Phiêu diêu hay vẫn chốn đời bể dâu? / Thời trang áo Mẹ cánh nâu / Sờn vai đòn gánh hai đầu sắn khoai/…/ Cha kể rằng lúc lâm chung / Tên con Mẹ gọi… nghẹn… dừng… giữa câu / Hao hao theo giọt đèn dầu / Nhẹ nhàng thanh thản Mẹ hầu Bồng Lai”…

Nhìn chung tác giả Trần Trí Thông bắt đầu cho một hành trình đổi mới rất riêng, anh muốn thoát ra khỏi nhịp điệu truyền thống để đến vơi những câu thơ cách tân, anh quan tâm về ý, tính khái quát và tiết tấu. Tác giả vẽ quê hương bằng thơ để tạo sức lay gợi, trong những bài cách tân đôi khi mang tính triết luận nhân sinh. Nhưng thế mạnh của tác giả vẫn là lục bát giàu tính sáng tạo nghệ thuật, ngôn từ, hình tượng, nhẹ nhàng, xao xuyến. Sự đổi mới làm cho lục bát sẽ mãi là nơi lưu giữ tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Đội tuyển Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.