Với chủ trương cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm, thời gian qua, đã có hàng chục doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu lợn thịt và lợn giống. Qua đó, góp phần bù đắp sự thiếu hụt, hạ giá thịt lợn trong nước.
Trên thực tế, hiện phần lớn các doanh nghiệp đều lựa chọn Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào nội địa.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc Chi cục Thú y vùng III (Cục Thú y), thời gian gần đây, lượng lợn Thái Lan được các doanh nghiệp nhậu khẩu qua khu vực cửa khẩu Lao Bảo liên tục tăng về số lượng.
Chỉ trong tháng 12/2020 và đến những ngày đầu tháng 1/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 100.000 - 110.000 con lợn thịt từ Thái Lan.
Mặc dù vậy theo nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, giá lợn hơi tại Thái Lan đã liên tục tăng cao dẫn đến giá lợn khi vận chuyển về đến các cửa khẩu Việt Nam có giá thành ngang bằng hoặc cao hơn giá lợn hơi trong nước. Điều này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lợn gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều doanh nghiệp phải "bỏ dở cuộc chơi" nhập khẩu lợn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Tại khu vực cửa khẩu này, thường xuyên có khoảng 5 doanh nghiệp nhập lợn Thái Lan với con số hàng trăm con đến cả ngàn con mỗi ngày.
Đặc biệt là trong hơn một tháng qua, nguồn lợn được các doanh nghiệp nhập khẩu về khu vực vẫn liên tục tăng về số lượng, trong đó chủ yếu là lợn trên 130kg dùng để giết mổ làm thực phẩm.
Được biết ngày 11/1, Bộ NN-PTNT đã có công điện gửi Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Công văn nêu rõ: Hiện nay, do sự chênh lệch giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn… giữa các nước với Việt Nam.
Bộ NN-PTNT đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.