| Hotline: 0983.970.780

Giá lợn tăng nhưng không sốt

Thứ Ba 12/01/2021 , 06:10 (GMT+7)

Giá thịt lợn hơi thời gian gần đây ở một số địa phương có tăng nhẹ một vài giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì điều đó không có gì bất thường.

Tăng đàn mạnh, trúng giá cao

Năm 2020 dịch tả lợn Châu Phi lắng dịu, được vay không lãi suất, người chăn nuôi Bình Định hồ hởi tái đàn. Cuối năm, giá lợn (heo) tăng cao, người chăn nuôi vui như tết.

Trong những ngày này, có lẽ không đâu vui hơn người chăn nuôi lợn ở huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh là "thủ phủ heo miền Trung". Bởi giá lợn hơi tăng từng ngày ở mức cao, người chăn nuôi lãi to.

Nếu như trong tuần trước giá lợn siêu nạc nuôi theo hướng an toàn sinh học còn đứng ở mức 75.000đ/kg hơi thì vào cuối tuần qua đã tăng đến 78.000đ/kg; giá lợn nuôi trong nông hộ tuần trước chỉ 68.000đ-70.000đ/kg thì vào cuối tuần đã tăng đến 74.000đ/kg.

Thời điểm giá lợn tăng cao cũng là lúc đàn lợn tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi kịp lớn đã khiến tiền “ùn ùn” kéo vào nhà các hộ chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Hoài Ân đã lắng dịu.

Thêm vào đó, cũng trong năm nay, UBND tỉnh Bình Định triển khai gói hỗ trợ 150 tỷ đồng cho người chăn nuôi lợn trong tỉnh vay không tính lãi suất để tái đàn, vậy là người chăn nuôi ở Hoài Ân nô nức tái đàn.

Từ giữa tháng 6/2020, người chăn nuôi ở Bình Định tăng mạnh đàn lợn nhờ gói hỗ trợ 150 tỷ cho vay không tính lãi của UBND tỉnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ giữa tháng 6/2020, người chăn nuôi ở Bình Định tăng mạnh đàn lợn nhờ gói hỗ trợ 150 tỷ cho vay không tính lãi của UBND tỉnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Sau đợt dịch tả lợn châu Phi, đến đầu năm 2020 đàn lợn ở Hoài Ân chỉ còn hơn 100.000 con. Từ khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Hoài Ân được khống chế, người chăn nuôi lại được hưởng lợi từ khoản cho vay hỗ trợ không lãi suất của UBND tỉnh để tái đàn lợn, cộng thêm giá lợn ổn định mức cao nên người chăn nuôi trên địa bàn hồ hởi tái đàn để kịp phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Hoài Ân đã tăng đến trên 250.000 con”, ông Vương cho hay.

Không lo thiếu lợn cung ứng thị trường dịp tết

Theo Cục Thống kê Bình Định, một nguyên nhân khác khiến tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh này phục hồi mạnh là do trong thời gian qua giá heo giống đã giảm, hiện đang dao động từ 1,2-2 triệu đồng/con tùy giống lợn, nhờ đó người chăn nuôi càng mạnh dạn tái đàn.

Riêng ở huyện Hoài Ân, lợn giống sản xuất ra không chỉ cung ứng đủ cho người chăn nuôi trong huyện mà còn thừa để bán đi nơi khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, hiện trên địa bàn huyện này có nhiều trang trại chuyên sản xuất lợn giống quy mô lớn. Đặc biệt, hộ chăn nuôi lợn nào ở Hoài Ân cũng có nuôi lợn nái để chủ động con giống. Hiện tổng đàn lợn nái sinh sản trên địa bàn huyện này có đến 30.000 con, mỗi năm sản xuất 600.000 con giống, do đó việc tái đàn ở Hoài Ân vào thời cao điểm càng thêm thuận lợi.

Hiện mỗi ngày người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân (Bình Định) xuất bán ra Đà Nẵng 800-900 con lợn thịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện mỗi ngày người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân (Bình Định) xuất bán ra Đà Nẵng 800-900 con lợn thịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài ra, trên địa bàn Bình Định còn có nhiều trang trại sản xuất lợn giống quy mô lớn của các Công ty CP Chăn nuôi CP, GreenFeed Việt Nam, Việt Thắng nên nguồn heo giống phục vụ cho công cuộc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh này không lo thiếu.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, sau đợt dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn trên địa bàn tỉnh này chỉ còn chưa đến 600.000 con. Để nhanh chóng tăng trưởng đàn nhằm phục vụ cho thị trường cuối năm, UBND tỉnh Bình Định triển khai gói hỗ trợ 150 tỷ đồng cho người chăn nuôi trong tỉnh vay không tính lãi suất để làm vốn mua heo giống để tái đàn. Nhờ đó, đến thời điểm cuối năm tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh này đã tăng đến gần 1 triệu con.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lượng lợn hơi xuất chuồng không chỉ đáp ứng đủ cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung ứng cho các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Thừa Thiên -Huế và một số tỉnh trong miền Nam. Riêng ở huyện Hoài Ân hiện nay mỗi ngày xuất bán ra thị trường Đà Nẵng 800-900 con”, ông Hùng cho hay.

Vì sao lợn tăng giá?

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đúng là những ngày gần đâu giá lợn trên thị trường có tăng một vài giá, cụ thể từ 78.000 - 81.000 đồng/kg, cá biệt một số nơi giá lên 82.000 đồng/kg do hoạt động mua đi bán lại giữa các thương lái.

Theo ông Trọng, việc giá lợn tăng trong những ngày gần đây không có gì quá bất thường bởi bao nhiêu năm nay những dịp gần tết Nguyên đán giá hầu hết các mặt hàng nông sản, trong đó có thịt lợn, nguyên liệu đầu vào chính để làm giò chả xúc xích và các loại thực phẩm chế biến khác nên nhu cầu trước tết 1 tháng là cao điểm nhất.

Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng, những ngày tới giá lợn có thể tăng thêm một vài giá nhưng khó xảy ra sốt như cuối năm 2019 bởi hiện nguồn cung đang khá dồi dào và đều đặn, đơn cử như Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiện mỗi ngày vẫn bán ra thị trường 17.000 con và tới đây sẽ tăng lên 18.000 - 20.000 con/ngày để tránh phải bán lợn trọng lượng quá to sau tết.

Bên cạnh đó, theo quy luật hàng năm ông Trọng cho biết, sau tết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thường có xu hướng giảm cho đến hết tháng Giêng nên thời gian tới cung cầu thịt lợn sẽ không có gì đột biến nếu không xảy ra những tình huống khách quan phát sinh.

Tuy nhiên, theo ông Trọng, những ngày gần đây có thông tin lợn Việt Nam thẩm lậu qua biên giới với Trung Quốc, dù chưa nhiều nhưng đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân tạo ra hiệu ứng tâm lý khiến giá lợn hơi tăng trong những ngày vừa qua.

Do đó, để ổn định cung cầu thịt lợn dịp Tết Tân Sửu, ông Trọng cho rằng cần phải quản lý được triệt để việc vận chuyển lợn sống qua đường mòn lối mở biên giới khu vực Trung Quốc bởi thực tế giá lợn tại Trung Quốc hiện vẫn chênh cao hơn giá lợn hơi tại Việt Nam khá lớn.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Masan: Lãi quý IV/2024 gấp gần 14 lần so với cùng kỳ

Lợi nhuận quý 4/2024 của Masan gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 691 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm 2024 đạt 200% kế hoạch kịch bản cơ sở.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất