Sở NN-PTNT Long An cho biết, đến tháng 10/2024 toàn tỉnh có 134/161 xã đạt tiêu chuẩn NTM, 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiều mẫu. Huyện Tân Trụ, Châu Thành, TP Tân An, thị xã Kiến Tường đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Riêng huyện Tân Trụ và Châu Thành đang hoàn tất hồ sơ trình Trung ương thẩm định để công nhận huyện NTM nâng cao.
Hiện thực hóa bức tranh một vùng quê đáng sống
Xã biên giới Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng (Long An) đang hiện thực hóa bức tranh một vùng quê đáng sống vì đã nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là kết quả không ngừng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân Vĩnh Bình trong việc xây dựng xã NTM nâng cao. Hạ tầng giao thông Vĩnh Bình được đầu tư đồng bộ, hệ thống đường liên xã dài hơn 7,2km, đường liên ấp dài gần 12km, 100% đường ngõ xóm sạch, đẹp và bảo đảm người dân đi lại thuận tiện, 100% các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lâm (ấp 3, xã Vĩnh Bình) chia sẻ: Các cung đường rộng lớn, cầu giao thông nông thôn đầu tư mới xe tải chạy bon bon, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa và giá trị nông sản cũng tăng lên theo từng con đường NTM.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình - Nguyễn Việt Trung cho biết, để tiến lên xã NTM nâng cao, sau khi đạt chuẩn xã NTM, ngoài việc tập trung các giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí thì đơn vị đã tập trung phát triển kinh tế, xem đây là bệ phóng quan trọng để nâng cao đời sống, giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân.
Xã đã vận động, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề dịch vụ. Chọn những nông dân sản xuất giỏi, mô hình làm ăn tập thể đạt hiệu quả cao làm điểm nhấn để vận động và nhân rộng trong toàn xã mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân như: Mô hình trồng dưa hấu, trồng sen và nhiều mô hình chăn nuôi khác…. Qua mỗi mô hình cho thấy người dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn trong phát triển kinh tế nông hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá và giàu.
Vĩnh Bình hiện có 1.200/1.800ha đất trồng lúa ứng dụng công nghệ cao. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. HTX nông nghiệp và Tổ hợp tác trồng lúa chất lượng cao đã liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân. Những mô hình làm ăn hiệu quả, chính sách phát triển nông nghiệp hỗ trợ kịp thời đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người ở xã Vĩnh Bình đạt trên 72 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Nguyễn Việt Trung cho biết thêm: Vĩnh Bình vừa cán đích xã NTM nâng cao. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nâng chất tiêu chí môi trường nông thôn, kinh tế tập thể, vận động nhân dân tham gia vào hợp tác xã, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí để tiến đến xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xây dựng NTM là để cho nhân dân thụ hưởng và tất cả được công khai trước dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, vì vậy sau khi Tân Trụ được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, đơn vị đã tập trung xây dựng Nghị quyết “đột phá” xây dựng huyện NTM nâng cao. Qua 2 năm (2023 - 2024) triển khai thực hiện 9 tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Mở rộng đường liên xã, liên huyện
Trưởng Ban Dân vận huyện Tân Trụ - Nguyễn Văn Dễ chia sẻ: Lợi ích lớn nhất đang giúp nhân dân thụ hưởng đó là việc mở rộng đường liên xã, liên huyện, đường kết nối với trục lộ giao thông tỉnh và Quốc lộ 1A từ 2m, 3m lên con đường 5m. Giải pháp thực hiện của địa phương là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Kết quả qua 2 năm triển khai, trên địa bàn huyện đã có 25 tuyến đường được mở rộng lên 5m, chiếm khoảng 90% trong các tuyến giao thông nông thôn trên toàn huyện được mở rộng đạt theo tiêu chí NTM nâng cao.
Ông Hồ Văn Nghĩa, ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, người dân thụ hưởng rất nhiều lợi ích từ việc xây dựng NTM chia sẻ: Nhà nước đưa ra chương trình nâng cấp, mở rộng giao thông liên xã, từ 3m lên 5m đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa và phát triển kinh tế nông hộ. Bây giờ xe có trọng tải lớn đến tận nhà thu mua nông sản, giá trị tăng cao hơn so với đường chưa mở rộng. Người dân Tân Trụ đang thụ hưởng rất lớn từ việc địa phương triển khai xây dựng NTM.
Bí thư Huyện ủy Tân Trụ Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, khi bắt tay xây dựng Nghị quyết “đột phá” xây dựng NTM nâng cao, địa phương xác định “lộ thông thì tài thông”. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, huyện tập trung nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, môi trường phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết, hợp tác, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ổn định, hiệu quả.
Cách làm của Tân Trụ là giao từng cá nhân cán bộ, công chức được phân công phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu phải nắm rõ, chắc, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền phải theo dõi, nắm chắc tình hình thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu để có sự chỉ đạo, đôn đốc, định hướng thực hiện, chú trọng xây dựng tập thể đoàn kết, chia sẻ giữa các cán bộ, công chức trong đơn vị góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung.
Ông Võ Trần Tuấn Thanh chia sẻ: “Đến tháng 9/2024 đã hoàn thành đạt và vượt 9 chỉ tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao. Huyện đã hoàn tất hồ sơ trình Trung ương thẩm định để công nhận huyện NTM nâng cao trong năm 2024”.
Toàn tỉnh Long An hiện có trên 176.000 hội viên, nông dân. Trong 5 năm qua, hội viên, nông dân đóng góp trên 500 tỷ đồng, trên 80.000 ngày công, hiến trên 2 triệu m2 đất để xây dựng các công trình dân sinh, góp phần nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất tốt hơn đã góp phần cùng với chính quyền cơ sở xây dựng thêm nhiều xã và huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và tiến lên NTM kiểu mẫu.