| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả thiết thực từ ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 21/07/2022 , 14:26 (GMT+7)

Long An Hiện nay, tỉnh Long An đang tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Công nghệ cao trên 4 cây và 2 con

Theo UBND tỉnh Long An, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh có kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ đối với 4 cây: lúa, thanh long, chanh, rau màu và 2 con: bò, tôm nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh.

Sau hơn một năm Long An thực hiện, chương trình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhiều địa phương đã chuyển đổi phương thức sản xuất, hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng.

Nông dân dùng drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân dùng drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, so với kế hoạch ban đầu, toàn tỉnh đã có trên 29.000 ha diện tích lúa (đạt 48,9%), trên 1.800ha rau màu (đạt trên 91%), 4.000ha thanh long (gần 67%) và trên 345  chanh (đạt 11,5%) ứng dụng công nghệ cao. Trên con bò thịt, tỉnh cũng xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chuyển đổi giống bò thịt chất lượng cao tại Đức Hòa, Thủ Thừa và Đức Huệ. Trên con tôm, diện tích ứng dụng công nghệ cao là 10 ha, đạt 10% kế hoạch. Sở NN-PTNT Long An đã xây dựng và phát triển 47 tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trương Văn An, Giám đốc HTX chia sẻ sản phẩm thanh long của HTX được xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… nên bà con thành viên vẫn giữ ổn định diện tích dù giá cả có khó khăn.

Tại huyện nông thôn mới Châu Thành, thời gian gần đây, cây thanh long gặp khó nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước nên nông dân vẫn quyết “chung thuỷ” với loại cây ăn trái này. HTX thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) có 40 thành viên với diện tích 50ha, bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Còn ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Hóa cho biết, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đã thực hiện 100% cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Ðịa phương đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cây chanh,... đạt nhiều kết quả tích cực. Trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất từ 10-20% trên một đơn vị diện tích, giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Lê Văn Phân, một người dân tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang cây sầu riêng, chuẩn bị phát triển điểm du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Phân, một người dân tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang cây sầu riêng, chuẩn bị phát triển điểm du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Đảm.

Tân Thạnh quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản ứng dụng công nghệ cao

Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Thời gian qua, UBND huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện Tân Thạnh đã thực hiện 49 mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao, diện tích trên 3.055 ha, thực hiện duy trì 20 mô hình với diện tích 1.054 ha.

Nhờ thực hiện mô hình này, chất lượng lúa cũng như thu nhập từ trồng lúa của người lên tăng lên đáng kể. Năm qua, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện là 58,43 triệu đồng/người/năm. Nhờ được đầu tư trạm bơm điện nên bà con xuống giống đồng loạt, quản lý sâu rầy tốt hơn. Bên cạnh đó, bà con mạnh dạn giảm giống từ 180kg/ha xuống còn khoảng 120 kg/ha và bón phân cân đối hoá học và hữu cơ nhờ đó nâng cao chất lượng hạt lúa. Trước mắt, bà con tiết kiệm chi phí từ 1,5 -2 triệu đồng/ha.

Đang cho drone phun thuốc dưỡng trên 1ha lúa 65 ngày tuổi ở ấp Trương Công Ý, xã nông thôn mới nâng cao Tân Lập, huyện Tân Thạnh ông Dương Công Bình nói: "Từ hồi có dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng máy bay làm lúa khoẻ lắm, mà tiết kiệm thuốc khoảng 20% nữa. Công xịt 150.000 đồng/ha, so với thuê người xịt tiết kiệm được 30.000 đồng nhưng mà thuê người khó lắm”.

Đường sá sạch đẹp, giao thông thuận tiện tại các xã nông thôn mới ở Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Đường sá sạch đẹp, giao thông thuận tiện tại các xã nông thôn mới ở Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Bình cho biết thêm, từ hồi xã vận động làm “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tham gia mô hình lúa công nghệ cao thu nhập tăng đáng kể nhờ giảm được tiền giống, phân bón, thuốc hoá học. Những người thực hiện dịch vụ drone phun thuốc sẽ thu gom vỏ bao bì bỏ đúng nơi quy định nên cảnh quan môi trường rất sạch sẽ, sinh thái.

Đáng chú ý, huyện Tân Thạnh đang quy hoạch vùng cây ăn trái Tân Lập là vùng cây ăn trái đặc sản ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch miệt vườn gắn với liên kết bốn nhà. Bước đầu đã có 5/14 hợp tác xã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP. Về cây ăn quả, hiện có Hợp tác xã FreshFruit Tân Thạnh liên kết với Công ty The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất và tiêu thụ chanh không hạt.

Theo ông Trần Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Xã được Bộ NN-PTNT chọn xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái chất lượng cao. Dự án được hỗ trợ công trình giao thông, nhà xưởng, thiết bị sấy với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm 2022 công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 112/161 xã đạt chuẩn NTM, 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Theo bà Ðinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản, doanh nghiệp và người dân phải nhìn về một hướng. Hai bên cùng nhìn về một mục tiêu, đồng hành chia sẻ lợi ích và khó khăn. Cùng xây dựng vùng nguyên liệu để đạt chuẩn xuất khẩu, đẩy mạnh liên kết và đặt chữ tín lên hàng đầu.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Cần tập hợp các nhà vựa, nhà sản xuất, doanh nghiệp vào câu lạc bộ hay hiệp hội và tổ chức lại hệ thống khuyến nông cộng đồng. Có như thế tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới mới phát triển ổn định và bền vững.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.