| Hotline: 0983.970.780

Long An: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%

Thứ Năm 20/07/2023 , 15:09 (GMT+7)

Long An Chương trình đã thay đổi diện mạo nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, vươn lên trở thành những điển hình trong xây dựng NTM.

Tỉnh Long An tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Long An tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Đổi thay ở xã bãi ngang Phước Vĩnh Đông

Thời gian qua, thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Long An đã triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các xã vùng bãi ngang.

Đồng thời, địa phương cũng tập trung thực hiện đào tạo nghề cho lao động gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo và gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), xuất phát điểm là xã bãi ngang đặc biệt khó khăn, từ chương trình MTQG Xây dựng NTM, xã Phước Vĩnh Đông đã thay da đổi thịt từng ngày.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, chính quyền xã đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân thay đổi nhận thức, phát triển nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, thu nhập bình quân đạt 54 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,76%.

Chính quyền địa phương xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là khâu then chốt để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, đóng góp của nhân dân, xây dựng hệ thống giao thông còn có sự đóng góp của mạnh thường quân, doanh nghiệp ngoài địa phương.

Từ năm 2011-2022, xã Phước Vĩnh Đông huy động hơn 532 tỷ đồng xây dựng xã NTM, trong đó ngân sách nhà nước hơn 287 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 35 tỷ đồng. Qua đó, nhiều tuyến đường khang trang được đầu tư, mở ra hướng phát triển mới cho xã.

Đó là tuyến đường Phạm Văn Tài được bê tông hóa rộng rãi nối liền xã Tân Tập và Phước Vĩnh Đông, đường Nguyễn Thị Nga được nhựa hóa thuận tiện cho việc giao thương kết nối với TP.HCM, đường đê Vĩnh Tân...

Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Giản Thanh Khiết, người dân xã Phước Vĩnh Đông cảm nhận: “Là một xã vùng hạ, trước đây Phước Vĩnh Đông còn thiếu thốn nguồn nước sạch, chủ yếu sử dụng nước mưa. Mùa khô phải đổi bằng ghe, bằng xe để có nước sử dụng, nay đã có nước sạch về đến tận nhà”.

Là một người dân của xã Phước Vĩnh Đông ông Giản Thanh Khiết cho biết luôn ra sức chấp hành tốt các chủ trương chính sách của nhà nước để góp phần xây dựng các tiêu chí xã NTM.

Ông Phạm Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, sau nhiều năm nỗ lực đến cuối năm 2022 đã đạt 19/19 tiêu chí, về đích NTM trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của cơ quan cấp trên và người dân trên địa bàn xã.

Thời gian tới, Phước Vĩnh Đông tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giữ vững danh hiệu xã NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.

Đến nay, tỉnh Long An đã có 121/161 xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỉnh Long An sẽ có 127/161 xã đạt chuẩn NTM và 40 xã NTM nâng cao.

Kiến Bình trên đường xây dựng xã NTM nâng cao

Trong những năm qua, khi xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh đạt chuẩn NTM đã khẳng định có sự chuyển biến về kinh tế, xã hội trên địa bàn. Diện mạo nông thôn thay đổi căn bản, từ phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn đến cảnh quan môi trường...

Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt từ kết quả của quá trình xây dựng NTM.

Xã Kiến Bình quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Kiến Bình quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Trần Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Kiến Bình, xã được huyện quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như thủy lợi, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học… tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đáng chú ý, toàn xã có trên 2.536ha diện tích sản xuất được tưới nước chủ động, đạt 100%.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác.

Xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như, xây dựng cánh đồng lúa ứng dụng công nghệ cao thực hiện được 15 mô hình nhân rộng với tổng diện tích trên 917ha và 11 mô hình duy trì với tổng diện tích trên 642ha.

Từ đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, khuyến khích số lượng nhân dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và theo hướng hữu cơ…

Xã Kiến Bình có 1.142 hộ. Đa số người dân địa phương sống bằng nghề trồng lúa, nên chính quyền xã hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề nông thôn nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân ở địa phương, cụ thể: trồng cây ăn trái, trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa kiểng, các mô hình đan giỏ nhựa, se nhang…

Đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người là trên 68 triệu đồng tăng 45,1 triệu đồng so với năm 2010. Số hộ nghèo đa chiều của xã năm 2023 là 37 hộ nghèo và 86 hộ cận nghèo. Sau khi giảm trừ số hộ không có khả năng lao động, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,45% và cận nghèo chỉ còn 2,2%.

Đến nay, xã Kiến Bình đã đạt 14/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Phấn đấu cuối năm 2023, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về đích xã NTM nâng cao.

Đầu năm 2023, tỉnh Long An còn 4.764 hộ nghèo. Thông qua việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trong công tác giảm nghèo, 6 tháng đầu năm 2023, số hộ thoát nghèo của tỉnh là 105 hộ, số hộ phát sinh là 6 hộ.

Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay là 4.665 hộ trên tổng số 483.092 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,97%. Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Long An, đến nay trên 90% xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư và trên 98% xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều, thuộc Bộ tiêu chí xã NTM.

Trong đó, có gần 60% xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư và nghèo đa chiều, thuộc Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao.

LONG AN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Bộ NN-PTNT công nhận 28 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2024

Sáng 16/1, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương năm 2024 tại Hà Nội.