Nếu như huyện Lệ Thủy hứng chịu lũ lụt từ sông Kiến Giang thì người dân vùng giữa của huyện Quảng Ninh hứng chịu tác động tạo lũ lớn của 3 con sông. Đó là sông Kiến Giang đổ về, sông Long Đại từ thượng nguồn phía tây Trường Sơn đổ xuống và sông từ cửa biển Nhật Lệ thốc ngược lên.
Vì vậy, khi lũ ở huyện Lệ Thủy có chiều hướng giảm dần thì ngược lại, các xã cuối nguồn sông Kiến Giang thuộc huyện Quảng Ninh lũ lại lên nhanh.
Đến sáng 29/10, đã có trên 10 ngàn ngôi nhà của người dân trên địa bàn bị ngập lụt. Trong đó các xã có số nhà ngập nhiều như Tân Ninh trên 1.800 nhà, Duy Ninh gần 1.600 nhà, các xã Võ Ninh, Gia Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh cùng có trên 1.100 nhà.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ, di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ, triển khai kịp thời các phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.
“Các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã di dời 1.015 hộ/2.307 khẩu đến nơi an toàn. Ngoài ra, hàng ngàn hộ dân đã hỗ trợ lẫn nhau trong thôn, trong khu dân cư để những người ở nhà thấp lên cùng sinh hoạt tại các nhà cao tầng, nhà vượt lũ. Qua đó, đảm bảo an toàn cho người dân trước lũ lụt”, ông Thụ nói thêm.
Trong lúc lũ đang lên, chúng tôi đã băng lũ lớn về xã Tân Ninh. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã vừa trực tiếp tham gia tổ xung kích dùng thuyền máy đi hơn 2km trên sông lớn, lũ xiết để đưa 2 người ốm đến trạm y tế xã cấp cứu.
“Gần như ngập toàn bộ các thôn, các điểm dân cư. Trong đó, có thôn Hữu Tân nằm độc lập giữa đồng và bị lũ dữ, sông lớn bao vây nên rất khó tiếp cận, nếu không nói là quá nguy hiểm cho lực lượng. Chỉ trừ khi điều động được ca nô công suất lớn để đè được lũ”, ông Hoan cho hay.
Chúng tôi nhờ được chiếc máy có trọng tải 3 tấn, máy khỏe để băng lũ về thôn Hữu Tân. Dù vậy, thuyền máy cũng phải kéo hết ga, khói dầu đen đục, khét mù kèm theo những cú táp mạnh hất tung mũi thuyền lên rồi nện xuống tiếng động như trống dồn.
Gần hai giờ đồng hồ quăng quật với sông, gió, mưa, nước xiết… thuyền máy mới tiếp cận được đến rìa làng. Những hàng tre, cây tràm, phi lao… như hàng rào chắn sông, tạo bình yên cho người dân trong thôn.
Ông Nguyễn Thịnh, Trưởng thôn Hữu Tân nói với chúng tôi là thôn có trên 200 hộ dân thì cơ bản là bị ngập lụt hết. Thôn như vùng ốc đảo nên người dân được rèn luyện chuyện mưa lũ ngay từ nhỏ và quen việc chèo chống thuyền bè.
“Khi lũ đến, thôn chúng tôi có đội xung kích đi đến các hộ dân mà nhà cửa đang còn cấp 4 để đưa đến nhà cao, nhà vượt lũ ở tạm trú. Mọi gia đình có cơm, mắm, muối cà… thì chia sẻ cùng nhau rất đoàn kết”, ông Thịnh nói.
Sau trận lũ lịch sử cuối năm 2020, người dân Hữu Tân giúp nhau, cho vay mượn và sự hỗ trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm, chính quyền để làm nhà kiên cố, có gác vượt lũ.
Ông Thịnh nói: “Nhờ đó mà hơn một nửa số nhà đã vững chãi trước bão lũ. Khi lũ dâng thì cứ xếp 2 nhà gần nhau, hỗ trợ cho nhau là thuận tiện và cũng không cần đến lực lượng xung kích của xã, huyện hỗ trợ chúng tôi. Người dân tự giúp nhau hết việc”.
Ông Thịnh cũng cho hay là sau năm 2020, một doanh nghiệp thương bà con có hỗ trợ xây cho nhà cộng đồng tránh lũ 2 tầng, rộng hơn 200m2. “Nhưng lũ lớn như này mà bà con cũng chưa đến đó ở vì ở nhà hàng xóm cũng rộng rãi và thuận tiện hơn”, ông Thịnh cho biết lý do.