| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/03/2024 , 08:38 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:38 - 04/03/2024

Luật Căn cước dang tay đón nhận người Việt chưa có quốc tịch

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 khiến cơ quan chức năng phải tăng tốc ngay sau kỳ nghỉ tết để đảm bảo quyền lợi cho mọi công dân.

Luật Căn cước từ ngày 1/7/2024 chính thức thay Luật Căn cước công dân đã được áp dụng từ ngày 1/1/2016. Như vậy, chỉ trong vòng một thập niên, người dân Việt Nam chứng kiến Giấy Chứng minh Nhân dân đổi sang Căn cước Công dân mã vạch, rồi phát sinh Căn cước Công dân gắn chíp và bây giờ là Thẻ Căn cước. Dẫu có những biểu hiện lúng túng về tên gọi và lộ trình thực hiện, thì đây cũng là sự biến chuyển cần thiết, khi sổ hộ khẩu đã được xóa bỏ.

Công nghệ thông tin cho phép tích hợp và quản lý dữ liệu cá nhân một cách khoa học, nên Thẻ Căn cước càng làm cẩn trọng thì càng trở thành loại giấy tờ tùy thân thuận tiện cho cuộc sống công dân. Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 83 triệu Căn cước Công dân gắn chip được cấp trên toàn quốc. Nghĩa là, vẫn còn vài triệu công dân ở độ tuổi được cấp Căn cước Công dân, vẫn đang dùng Giấy Chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Luật Căn cước đưa ra một số điểm mới trên Thẻ Căn cước, như thay “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, thay “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, thay cơ quan cấp thẻ “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” thành “Bộ Công an”, đều là những cải cách hành chính hợp lý.

Tuy nhiên, để tránh tốn kém và xáo trộn từ việc người dân chen chúc đi làm Thẻ Căn cước, như đã xảy ra với Căn cước Công dân mã vạch và Căn cước Công dân gắn chip, chính quyền cơ sở cần tuyên truyền rộng rãi về tính pháp lý của từng loại thẻ. Mặc dù đã dừng sản xuất, nhưng Căn cước Công dân gắn chip vẫn có thể dùng đến hết thời hạn được ghi chú, mà không nhất thiết phải đổi sang Thẻ Căn cước.

Mặc dù sau ngày 1/7/2024 sẽ có người sở hữu cả bốn loại giấy tờ cùng có hiệu lực là Giấy Chứng minh Nhân dân, Căn cước Công dân mã vạch, Căn cước Công dân gắn chip và Thẻ Căn cước, thì một ý nghĩa cực kỳ quan trọng mà Luật Căn cước đem đến là bảo đảm quyền lợi cho một bộ phận đồng bào có hoàn cảnh éo le đang phải sống bên lề cộng đồng. Đó là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Theo điều tra của Bộ Công an thì hiện nay có khoảng 31.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch. Con số thực tế có lẽ còn nhiều hơn. Bởi vì, chỉ riêng những người Việt Nam hồi hương từ khu vực Biển Hồ Campuchia, đã ước tính trên 100.000 người.

Những người Việt Nam gieo neo này vốn lênh đênh sông nước bằng nghề đánh bắt thủy sản, nên không có hồ sơ tư pháp để được nhập tịch khi trở lại cố hương. Họ tập trung khá đông thành “làng Việt kiều” xung quanh hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) huyện Hớn Quản (Bình Phước) huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu (Tây Ninh) cũng như xung quanh hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Luật Căn cước mở rộng vòng tay đón nhận những số phận bất hạnh ấy, là một nghĩa cử đáng trân trọng và đáng ủng hộ.