Nhiều người dân ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhớ như in về cơn lũ lịch sử vào tháng 10 năm 2020. Đây được xem là trận lũ lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.
Ở vùng “rốn lũ” huyện Quảng Ninh, nhiều vùng dân cư nông thôn bị ngập chìm sâu trong lũ từ 3-5m. Ngay trong đêm lũ dâng lập đỉnh, lực lượng xung kích “4 tại chỗ” của các xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh…đã đè lũ kịp thời ứng cứu và đưa hàng trăm người dân thoát ra khỏi vùng lũ dữ.
Những ngày lũ lớn, chúng tôi cũng đã có mặt tại vùng lũ huyện Quảng Ninh. Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh đón chúng tôi ở tầng hai trụ sở. Nước lũ đã mấp mé gần ngập sàn tầng một.
Vuốt nước mưa trên mặt, ông bảo: “Suốt đêm qua, lực lượng xung kích chia thành 3 nhóm, sử dụng ba đò máy có công suất lớn để vượt lũ cứu bà con. Chúng tôi đã đưa được gần 200 người đến những ngôi nhà hai tầng ở các địa bàn, đưa về trạm y tế xã và trụ sở ủy ban để bà con được ăn uống chu đáo”.
Tại xã Tân Ninh, lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo cả ngày đêm để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Lực lượng xung kích các thôn được kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể. Ông Nguyễn Công Hoan cho hay: “Mỗi thôn được bố trí lực lượng và thuyền máy để hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn”.
Tại trụ sở UBND xã đã có hơn bốn chục người già, trẻ em được đưa về và bố trí ở tầng 2 tòa nhà. Được biết, xã chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, mì tôm, thịt cá, trứng.. đủ để nuôi khoảng 100 người ăn trong vòng tuần lễ. Phòng họp rộng được sắp xếp gọn gàng làm nơi bố trí bếp nấu và phòng ăn cho mọi người. Tại đó, xoong nồi, bát đũa, bếp ga, bình ga… và người phục vụ đã khá chu tất.
Nghe tin ở thôn Quảng Xá có ông cụ sống một mình, nhà bị lũ ngập quá mái ngói nhưng vẫn không chịu di dời. Ông Hoan cùng tổ xung kích tức tốc xuống đò máy xuyên qua dòng lũ xiết.
Đến nơi, sau khi thuyết phục không nghe, ông Hoan ra lệnh “cưỡng chế”. Hai thanh niên xung kích luồn vào nhà, xốc nách ông cụ đưa xuống đò cùng với mớ áo quần lấy vội. Chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ sau, lũ đã lên chạm nóc mái ngói nhà ông cụ.
Thôn Tân Thành được ví như là ốc đảo của xã Tân Ninh. Vùng này nằm ở đầu sóng ngọn gió nên vừa bị ngập sâu, vừa bị lũ quấn xiết, gió thổi mạnh gây sóng lớn đến 2-3 mét. Cả thôn có hơn 200 nóc nhà chìm trong biển nước đục ngầu.
Khi đò máy của chúng tôi xé lũ lớn, tiếp cận được vào thôn thì tình hình cũng đã được “giải quyết” gọn nhờ lực lượng xung kích của thôn này.
Ông Nguyễn Thành, một chủ đò máy cũng là lực lượng xung kích nói lớn: ‘Suốt đêm, bà con bị kẹt trong lũ được ba đò máy đến ứng cứu đưa hết lên ở nhờ nhà cao tầng rồi. Hiện không có ai bị nguy hiểm nữa đâu. Các anh yên tâm đi hỗ trợ vùng khác. Ở đây anh em lo được”.
Lúc này, tại trụ sở UBND xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), nước lũ cũng đã mấp mé chạm đến sàn tầng một. Trên tầng hai, phòng làm việc được xếp gọn để nhường lại làm chỗ lưu trú cho bà con có nhà bị ngập sâu. Bữa ăn trưa của bà con có cơm nóng, có canh rau, cá, trứng…
Ông Nguyễn Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy và ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã suốt ngày, đêm trực lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống lũ, cứu bà con.
Suốt cả ngày lẫn đêm, lực lượng xung kích các thôn trong xã quần quật vượt mưa, lũ lớn để tiếp cận những ngôi nhà bị lũ ngập chạm đến mái ngói, cứu người đưa đến nơi an toàn. Trong đêm tối mịt mù và mưa lũ vẫn tuôn như đổ nước, chiếc thuyền máy cứu hộ vẫn ngược lũ, xuyên vào các thôn để cứu người.
Anh Võ Hữu Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh trực tiếp chỉ huy một thuyền máy cùng 3 người trong lực lượng xung kích cứ nhìn thấy ánh sáng mà bà con dùng để gọi cứu trong đêm là xé màn đêm tìm đến. Khi đồng hồ chỉ đúng 4 giờ sáng của ngày hôm sau thì lực lượng cứu hộ mới tạm nghỉ ngơi cho anh em lấy lại sức khỏe.
Nhờ vậy, ngay trên địa bàn các xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh…hàng ngàn người dân đã được lực lượng cứu hộ di dời đến nơi an toàn. Không để xảy ra tình trạng đáng tiếc nào.
Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho hay, phương án của các địa phương là mỗi thôn có một đò máy để cứu dân với tổ chức lực lượng xung kích đó. Những người có phương tiện, có kinh nghiệm trong lũ lụt được bố trí làm mũi nhọn của lực lượng tại khu dân cư.
“Ngoài ra, trong diễn biến của những ngày lũ lụt, có những người không nằm trong lực lượng được phân công nhiệm vụ nhưng tự nguyện tham gia cứu dân, hỗ trợ dân. Đây cũng là lực lượng tại chỗ tạo nên sức mạnh trong việc phòng chống thiên tai tại địa phương”- ông Hoan nói thêm.