| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/08/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 08/08/2017

Lương tối thiểu - còn quá nhiều chuyện phải bàn

Vào lúc 11h trưa ngày 7/8, sau cuộc bỏ phiếu của 14 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, phương án tăng 6,5% cho lương tối thiểu vùng năm 2018, đã được chọn với 8 phiếu thuận.

Thế là sau rất nhiều phiên họp cùng rất nhiều tranh luận trái chiều, thì các bên bao gồm những đại diện chính, là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%, đưa tiền lương lần lượt từ vùng I đến vùng IV là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng.

Việc tranh luận “miệt mài” giữa các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia, đã nói lên sự khó thống nhất trong chuyện xác định “nhu cầu tối thiểu” để xác định tiền lương tối thiểu, mà thực chất là một bên (người lao động) muốn tăng mà phía kia (chủ lao động) thì muốn giảm.

Vì vậy, việc quy định và điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ngoài sự thống nhất của ba bên ở Trung ương trong Hội đồng tiền lương hiện nay, cần phải có sự tham gia của người có quan điể̉m trung lập như những nhà kinh tế, nhà nghiên cứu chính sách sao cho các quan điểm kinh tế vĩ mô, ví dụ như căn cứ xác định nhu cầu tối thiểu, các tác động lương tối thiểu đến việc làm, thất nghiệp, thu nhập và tiền lương trước và sau khi điều chỉnh cần phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng.

Thêm nữa, với mức lương tối thiểu chỉ quy định theo tháng như hiện nay, người lao động làm việc theo giờ hoặc theo ngày sẽ gặp nhiều bất lợi. Dù rằng, theo Điều 91, Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày và giờ.

Không có sự khác biệt giữa lương tối thiểu áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp và lương tối thiểu áp dụng cho khu vực doanh nghiệp. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiền lương cho người lao động không tương ứng với khối doanh nghiệp là do giới hạn nguồn ngân sách Nhà nước và bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc tinh giản bộ máy Nhà nước và cắt giảm các khoản chi tiêu công không cần thiết là yêu cầu cấp thiết. Đa số người lao động không có hợp đồng lao động (chỉ 40,9% có hợp đồng lao động) và chỉ nhận được mức tiền lương/tiền công thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tương ứng. Như vậy, lương tối thiểu sẽ không phát huy được vai trò chính yếu của nó trong việc đảm bảo mức sống tối thiểu của toàn bộ người lao động.

Theo Viện Năng suất Việt Nam (2015), năng suất lao động chỉ tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 2006-2015. Mối quan hệ giữa tiền lương, tiền lương tối thiểu và năng suất lao động là một vấn đề kinh tế quan trọng. Có một hướng đi mới cho chính sách lao động là cung cấp hệ thống phúc lợi xã hội phù hợp và đầy đủ hơn. Thay vì tăng lương cho người lao động, những hình thức hỗ trợ như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện gần các khu công nghiệp không chỉ giúp người lao động giảm được gánh nặng chi tiêu mà còn giúp họ giảm nỗi lo, tập trung trong công việc, gián tiếp nâng cao năng suất lao động. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giữ vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.

Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, hiện đã được thống nhất. Nhưng những vấn đề chính trong “lương tối thiểu” vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Bình luận mới nhất