Theo BS Nguyễn Thanh Hùng (PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM), tình hình bệnh nhi đến khám và điều trị tại đây trong tháng giáp Tết thường có giảm hơn so với những tháng trước đó.
Căn cứ vào số liệu phân tích tổng hợp qua các năm, số lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện trong tháng cuối cùng của năm cũ đều giảm hơn so với tháng trước, đặc biệt các bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm tiểu phế quản đều giảm đáng kể. Tuy nhiên, các loại bệnh nhiễm như quai bị, trái rạ, viêm màng não lại tăng theo chu kỳ từ 25%-50%.
Vì vậy, theo BS Hùng thì trong tháng 1 năm 2009, nhất là vào tháng Tết, dự kiến bệnh sốt xuất huyết tiếp tục giảm nhưng nhóm bệnh quai bị, trái rạ, viêm màng não mủ sẽ cao, riêng nhóm bệnh về tiêu chảy, ngộ độc thức ăn sẽ tăng nhẹ. Nhằm giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về những bệnh này để lưu ý trong thời gian tới, chúng tôi đã trao đổi thêm với BS Nguyễn Thanh Hùng (N.T.H).
Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu bệnh quai bị, trái rạ, viêm màng não ở trẻ em và cách phòng ngừa?
BS N.T.H: Bệnh trái rạ và quai bị ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan cho những người trong gia đình và ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và học hành của các cháu. May mắn là hiện nay chúng ta đã có vac-xin phòng ngừa hai bệnh này. Trẻ bị viêm màng não thường có các triệu chứng như sốt, ói, bỏ bú, quấy khóc (trẻ nhỏ) và nhức đầu (trẻ lớn). Khi khám thấy có dấu hiệu li bì, thóp phồng (trẻ nhỏ) hoặc cổ cứng và cần nghi ngờ bệnh viêm màng não khi thấy trẻ có sốt kèm theo 6 dấu hiện gồm: bỏ bú, nôn ói liên tục, co giật, li bì (trẻ mệt và ngủ nhiều), cổ cứng hoặc thóp phồng (trẻ nhỏ).
Bệnh viêm màng não mủ do nhiều nguyên nhân nhưng hai nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi là Hemophilus Influenzae típ b (Hib) và phế cầu khuẩn. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh viêm màng não, ngoài việc phải cho các cháu bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì các bậc phụ huynh nên đưa các cháu tiêm ngừa các vac-xin Hib và phế cầu khuẩn.
Vậy lưu ý những bệnh gì trong ngày Tết và đề phòng ra sao?
BS N.T.H: Bệnh đầu tiên mà chúng ta cần đề phòng trong ngày giáp Tết là trẻ bị hen phế quản, bởi vì hiện nay thời tiết trong Nam lẫn ngoài Bắc vẫn còn khá lạnh. Bệnh này còn được định nghĩa như là tình trạng viêm mãn tính và kéo dài do tăng đáp ứng niêm mạc phế quản đối với một số dị nguyên nội hoặc ngoại sinh. Thật ra, cơn suyễn chỉ là một đợt cấp của tình trạng viêm mạn (tính) gây khó thở do chít hẹp đường thở, có thể tự chấm dứt hoặc sau khi dùng thuốc.
Bởi vậy khi đi chơi xa, bố mẹ nên mang theo thuốc đầy đủ (corticoides nhóm III) để đề phòng trẻ lên cơn hen. Ngoài ra, cũng cần lưu ý các tai nạn thường xảy ra trong ngày Tết như bỏng lửa, bỏng nước sôi, dị vật đường thở, đường ăn do hạt trái cây (hạt dưa, hạt sa-pu-chê). Để phòng ngừa các tai nạn này truớc hết nên thực hiện những điều cấm sau đây: 1/ Không cho các trẻ nhỏ ăn hạt dưa; 2/ Lấy hết hạt khi cho các cháu nhỏ ăn trái cây; 3/ Không cho các trẻ nhỏ đến khu vực bếp đang nấu, nướng.