Màn đối chất giữa ông trùm Nguyễn Văn Dương và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa |
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết mình gặp Nguyễn Văn Dương trong lễ hội đền Trần. Khi đó, Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ biết về Nguyễn Văn Dương rất thân với Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Bị cáo Hóa cho biết mình không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân gì với Dương.
Đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cho biết đó là một con người thông minh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm dám chịu; đã từng phá nhiều vụ án lớn tấn công tội phạm và bản thân “tôi rất kính trọng anh ấy”.
Theo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, bản thân được bổ nhiệm Cục trưởng năm 2009; chức năng cụ thể theo QĐ 450 ban hành đầu năm 2010 có 9 nhiệm vụ, Cục trưởng chịu toàn bộ trách nhiệm tại C50.
Trước câu hỏi: “Ai là người đề xuất Dương thành lập CNC?”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói: “Đây là một vấn đề dài cho phép tôi được giải trình”.
Theo bị cáo Hóa, sau khi được phân công về cục, quân số lúc đó 30 người, là một đơn vị mới ở Tổng cục Cảnh sát, chưa có máy móc thiết bị, chưa có quan hệ, chưa xây dựng được hành lang pháp lý. Mãi đến 2011, lúc đó mới chỉ có 5 điều được ghi trong luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Nhiệm vụ số 9 về việc C50 phải thành lập một công ty bình phong, nghiệp vụ vì bận nhiều việc nên đến thời điểm trước khi CNC ra đời, bị cáo vẫn lãng quên đi chưa thực hiện được.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục khai: Sau đó 1 thời gian, bị cáo gặp Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Dương ở 40 Hàng Bài. “Anh Vĩnh nói với tôi về Dương khi đó đang làm UDIC là người tuy làm xây dựng nhưng rất đam mê, am hiểu công nghệ và bảo tôi làm tờ trình để Tổng cục duyệt về việc thành lập công ty bình phong giao cho Dương phụ trách. Tôi về họp đơn vị và thống nhất lại, giao trưởng phòng tham mưu tìm hiểu cho tôi tất cả những quy định pháp luật và những đơn vị đã thành lập các công ty bình phong”, Cựu Cục trưởng C50 khai.
Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận mình là người ký 2 văn bản số 1065; 1068 về việc thành lập công ty bình phong, trong đó một văn bản gửi ông Đỗ Tiến Lực (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách C50); một văn bản gửi ông Phan Văn Vĩnh (Tổng Cục trưởng).
Nội dung tại một tờ trình, Nguyễn Thanh Hóa khai trong đó có ghi nội dung về hình thức góp vốn: C50 đóng góp 20% vốn và cử cán bộ tham gia. Tuy nhiên, một tờ trình khác không ghi rõ về tỷ lệ góp vốn. Theo bị cáo Hóa, tỷ lệ ăn chia mà C50 nhận được là 20% lợi nhuận với CNC.
Đặc biệt, tại phiên tòa, Nguyễn Thanh Hóa một mực khẳng định C50 không liên quan gì tới CNC và CNC không phải là công ty bình phong, không phải công ty nghiệp vụ, không được công nhận; CNC không có liên quan gì đến kinh tế, công việc của C50.
“Tôi không hướng dẫn chỉ đạo gì, anh Dương gửi văn bản lên tôi cũng trả lời. Cty CNC không phải là cái gì của tôi cả”, Nguyễn Thanh Hóa khai.
Trước việc này, chủ tọa yêu cầu Nguyễn Văn Dương lên xác nhận lời khai của bị cáo Hóa đúng hay sai. Tuy nhiên, bị cáo Dương đề nghị tòa nghiên cứu hồ sơ, bản thân không muốn trả lời đúng hay sai.
HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Hóa về lý do tháng 4/2017, bị cáo làm văn bản đề nghị bị cáo Vĩnh ký, lùi ngày về năm 2011 nhằm hợp thức việc liên quan CNC?
Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, sau khi ký ghi nhớ đã không thực hiện thành lập công ty bình phong do không có người, có tiền nên chỉ coi họ là cơ sở bình thường. Việc này được bị cáo Vĩnh đồng ý nhưng năm 2015, ông Vĩnh lại ra văn bản 158 công nhận CNC là Cty bình phong nên năm 2017, bị cáo phải hợp thức các hồ sơ. “Về hành chính tôi làm sai, làm ngược, tôi chấp nhận điều đó”, cựu cục trưởng C50 nói.
Chủ tọa đặt câu hỏi tại sao CNC không là công bình phong nhưng vẫn gửi báo cáo lên C50? CNC được sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám? Nguyễn Thanh Hóa đáp: “Họ nghĩ là cơ sở bình phong của chúng tôi nên họ gửi và ai cũng có quyền gửi báo cáo như các doanh nghiệp tố giác tội phạm.”
Về số 10 Hồ Giám, bị cáo này cho rằng Cục Chính trị hậu cần (C43) từng thông báo sẽ cho C50 dùng 1 tầng tại đây và Nguyễn Văn Dương đề nghị được thuê. “Nhà này 4 - 5 tầng nên không ai dùng hết, tôi nghĩ dùng 1 tầng để làm nơi giao lưu công nghệ... Tôi giao cục phó xử lý nhưng sau đó C43 yêu cầu tôi phải trực tiếp ký xin tầng 5 nên tôi ký văn bản xin 1 tầng làm nơi gặp gỡ các hacker, phục vụ công tác”.
Không những vậy, ông Hóa đồng thời phủ nhận việc CNC treo biển tên phòng làm việc của mình tại số 10 Hồ Giám. HĐXX tiếp tục yêu cầu ông trùm Nguyễn Văn Dương lên đối chất, Dương khai: “CQĐT đã xác minh nội dung đó từ cán bộ công nhân viên của công ty tôi, hỏi lại tôi thì tôi có xác nhận. Sau treo biển, anh Hóa có ý kiến công ty cần đảm bảo bí mật, phải tháo xuống”.
Lập tức, cựu Cục trưởng C50 trả lời HĐXX: “Biển này chỉ để giải quyết khâu oai, tôi không việc gì phải treo ở chỗ chật chội như thế, tôi không biết việc treo. Lời khai của tôi ở CQĐT đến nay không thay đổi”.