| Hotline: 0983.970.780

Mật ngọt từ mùa vụ

Thứ Sáu 18/05/2018 , 09:30 (GMT+7)

Ngày 20/12/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 20/5 hàng năm là “Ngày Ong thế giới” theo đề xuất của Slovenia - một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sự đa dạng của các loài ong và công tác bảo tồn loài côn trùng hữu ích cho SXNN.

09-17-21_bi_5_-_tp_hun_su_dung_thuoc_bvtv_n_ton__hieu_qu_cho_nong_dn_v_nguoi_nuoi_ong_ti_hung_yen
Tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn cho nông dân và người nuôi ong ở Hưng Yên

Năm nay là năm đầu tiên, ong - loài côn trùng hữu ích đối với cây trồng và mùa màng, những "người bạn thầm lặng" của nhà nông - chính thức được tôn vinh.
 

Bạn của nhà nông

Có lẽ, ai cũng thuộc những câu hát được dạy từ tấm bé "Chị ong nâu nâu nâu nâu, chị bay đi đâu đi đâu... Chị bay đi tìm nhụy, làm mật ong nuôi đời"... Nhưng không phải ai cũng biết những chú ong chăm chỉ làm mật, yêu hoa lại rất có ích đối với SXNN. Khi ong đậu lên hoa, phấn hoa dính vào chân ong. Khi ong đậu vào hoa khác, một ít phấn rơi vào và thụ phấn trên đó. Hoạt động thụ phấn rất quan trọng trong sự phát triển của đa số loại cây ăn quả, rau củ, các loại hạt và các nhóm cây trồng khác, trong đó ong mật chính là “bà mối” của các loại cây trồng này.

Theo các kết quả nghiên cứu, ong mật thụ phấn cho 80% các loại cây trồng và tạo ra 1/3 sản lượng lương thực cho con người. Các loài côn trùng có ích như ong mật ngày càng có vai trò lớn trong ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay.

Ở các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu, người nông dân thường thuê ong để thụ phấn cho cây trồng như táo, lê, hướng dương, cải, dưa... Do vậy, người nuôi ong đưa ong đến thụ phấn không chỉ thu hoạch được mật ong mà còn được trả tiền công thụ phấn.

Trong khi đó, ở Việt Nam, ong mật chiếm hơn 70% côn trùng thăm hoa và đóng góp trên 50% năng suất của nhiều loại cây trồng như nhãn, vải, táo, cà phê, cây họ thập tự và cây họ bầu bí các loại…

Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa nhìn hết tác dụng thụ phấn làm tăng sản lượng cây trồng của ong nên chưa nhiệt tình phối hợp và giúp đỡ khi người nuôi ong mang ong đến đặt tại ruộng vườn hoặc cá biệt, có hộ nông dân cho rằng người nuôi ong phải thuê vườn cho ong lấy mật.

Khó khăn chồng chất khó khăn, trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ong mật đang ngày càng phải chống chọi với những rủi ro rất lớn về sâu bệnh (bọ varroa, ký sinh trùng ruột, nấm, virus), điều kiện thời tiết và thiếu hụt dinh dưỡng.

Thêm vào đó, có một thực tế là thói quen sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, không đúng liều lượng và đúng lúc đã có những ảnh hưởng nhất định tới ong. Cả người nông dân và người nuôi ong vẫn còn thiếu những kiến thức và các biện pháp kỹ thuật nuôi, quản lý, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại ong để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo bà Lê Thị Khánh Hòa - Giám đốc Đối ngoại Cty TNHH Syngenta Việt Nam, việc có một ngày dành riêng để tôn vinh loài ong là hết sức cần thiết, nhắc nhở bà con về tác dụng của loài côn trùng này. Ngày Ong thế giới (20/5) cũng là một hoạt động thiết thực trong tiến trình hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
"Nông dân và người nuôi ong cần hợp tác với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Ngoài việc chung tay bảo tồn sự đa dạng của các loài côn trùng thụ phấn, trong đó có ong mật, bà con cũng cần đa dạng hóa các loại cây trồng để hấp dẫn các loài côn trùng có lợi. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết của Syngenta luôn đồng hành với người nông dân và người nuôi ong để bà con có được mật ngọt từ đàn ong và từ mùa vụ," bà Hòa khẳng định.

Do đó, việc nâng cao nhận thức và vai trò của ong mật, giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng, đồng thời nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là những việc làm rất cần thiết hiện nay.
 

Thành quả ngọt ngào

Nhận thức rõ vai trò của loài ong trong SXNN, đồng thời với mong muốn hỗ trợ người nông dân và loài ong cùng tồn tại, phát triển hài hòa, Cty TNHH Syngenta Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong, Viện Chăn nuôi thực hiện dự án: "Sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV nhằm bảo tồn ong mật và côn trùng thụ phấn".

Dự án được khởi động từ năm 2016, với mục tiêu trang bị kiến thức cho 1.000 nông dân và người nuôi ong tại một số huyện/xã thuộc các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ - nơi có phong trào nuôi ong phát triển về các biện pháp kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong mang lại hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn người nông dân phương pháp sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV; tạo dựng sự liên kết / kết nối và phối hợp hài hòa giữa nông dân và người nuôi ong trong hoạt động canh tác cây trồng và nuôi ong mật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở 2 bên cùng có lợi.

Tham dự tập huấn, người nuôi ong được trang bị kỹ thuật và phương pháp quản lý và chăm sóc ong mật hiệu quả đồng thời được trang bị kiến thức phòng và chống ong bị phơi nhiễm trực tiếp thuốc BVTV. Chương trình cũng hướng dẫn người nông dân về phương pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả thông qua “Nguyên tắc 4 đúng” và “5 Quy tắc vàng”; hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV sai nguyên tắc... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, đồng thời gián tiếp bảo vệ côn trùng thụ phấn, đặc biệt là ong mật.

Bà Nguyễn Thị Vân, một nông dân ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Nhiều người, trong đó có tôi, có thói quen sử dụng thuốc BVTV không đúng thành ra diệt côn trùng có hại lại diệt luôn cả côn trùng có lợi. Nay nhờ được trang bị kiến thức, tôi đã nắm được những "quy tắc vàng" để hạn chế những tác động không mong muốn từ việc sử dụng thuốc BVTV đối với các loại côn trùng có lợi".

Ông Phạm Văn Hải, một người nuôi ong ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: "Tôi đã nuôi ong được gần 10 năm. Trước đây, tôi thường nuôi ong theo kinh nghiệm, học hỏi mỗi người một ít. Tuy nhiên, vì không có phương pháp cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Hiện nay, tôi đã được hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp quản lý và chăm sóc ong mật nhằm hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố không mong muốn như môi trường, dinh dưỡng, di chuyển, bệnh hại… cũng như được hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và khỏe mạnh của ong mật, nâng cao chất lượng mật SX ra".

Sau 2 năm triển khai, với sự hỗ trợ của Syngenta Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ong đã phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh tổ chức tập huấn được cho hơn 700 người nuôi ong và nông dân tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hòa Bình. Các buổi tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người nông dân về sự hữu ích của loài ong cũng như mối liên hệ giữa nông nghiệp và nghề nuôi ong.

Các buổi tập huấn hữu ích này cũng là minh chứng rõ nét cho cam kết mạnh mẽ của Syngenta với đời sống nhà nông và tương lai của ngành nông nghiệp thông qua Chương trình Phát triển Bền vững đã được khởi động vào năm 2013. Với 6 cam kết trên toàn cầu, bao gồm nâng cao năng suất cây trồng; bảo vệ nhiều đất nông nghiệp hơn; thúc đẩy đa dạng sinh thái; tiếp sức cho các nông hộ nhỏ; bảo vệ an toàn cho con người; chăm sóc cho từng cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp. Syngenta đang cụ thể hóa các cam kết này phù hợp với điều kiện canh tác và thói quen của người nông dân Việt Nam.

Không chỉ tập huấn cho người nuôi ong và nông dân để bảo vệ ong mật và côn trùng thụ phấn, trong những năm qua, Cty Syngenta Việt Nam đã tổ chức tập huấn cho hàng chục ngàn lượt nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết trong sử dụng thuốc BVTV cho nông dân trên khắp mọi miền trên cả nước. Những khóa tập huấn này đã giúp người nông dân nắm vững các quy trình sử dụng các loại thuốc BVTV để vừa đảm bảo hiệu quả và an toàn cho cây trồng, vừa không gây hại cho thiên địch - các loài sinh vật có lợi cho cây trồng.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.