| Hotline: 0983.970.780

Mặt trái thu hồi đất nông, lâm nghiệp: Vết gợn tại thị xã Thái Hòa

Thứ Năm 07/05/2020 , 09:01 (GMT+7)

Thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp nhằm tăng hiệu quả giá trị sử dụng là chủ trương lớn của Chính phủ, phù hợp với nhu cầu thực tế đặt ra.

Chủ trương sắp xếp, chuyển đổi và thu hồi đất của công ty lâm nghiệp trên địa bàn thị xã Thái Hòa đang bộc lộ nhiều vấn đề. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ trương sắp xếp, chuyển đổi và thu hồi đất của công ty lâm nghiệp trên địa bàn thị xã Thái Hòa đang bộc lộ nhiều vấn đề. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy quá trình triển khai đang nảy sinh hàng loạt vấn đề nổi cộm, thực trạng tại thị xã Thái Hòa tựa như bức tranh thu nhỏ của tỉnh Nghệ An.

Dấu hỏi 4ha đất vàng?

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Thái Hòa đến năm 2030 đã được Bộ Xây dựng cho ý kiến tại Công văn số 729/BXD-QHKT ngày 5/4/2017, được Sở Xây dựng thẩm định tại Thông báo kết luận số 2115/TB-SXD.KTQh ngày 23/9/2016. Sau đó UBND tỉnh Nghệ An nhất trí, trình Thường thực Tỉnh ủy thông qua.

Nội dung thể hiện cho thấy có trên 2.130ha đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An trong quy hoạch chung được quy hoạch thành đất công cộng, quảng trường, sân vận động, thương mại dịch vụ, cụm công nghiệp, đất ở nông thôn, đất giáo dục, giao thông và các khu chức năng khác, qua đây nhằm mục đích tạo nguồn thu ngân sách, phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội.

Thị xã Thái Hòa đề nghị Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An không đưa 281ha vào phương án cổ phần hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Thị xã Thái Hòa đề nghị Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An không đưa 281ha vào phương án cổ phần hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Căn cứ các loại đối tượng đất phải thu hồi và bàn giao về địa phương theo Điều 15 Nghị định 118/2014/NĐ.CP của Chính phủ về “sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”, thị xã Thái Hòa đã đề nghị Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An “nhượng lại”, không đưa vào phương án cổ phần hóa hơn 281ha, bao gồm 52,8ha tại xã Đông Hiếu, trên 161ha tại xã Tây Hiếu và 67,6ha tại xã Nghĩa Tiến.

Theo những người am hiểu tường tận thì thị xã Thái Hòa đã hiểu sai bản chất của Nghị định 118/2014/NĐ.CP khi cương quyết thu hồi diện tích nói trên. Cần biết rằng, chủ trương của việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường và các công ty nông, lâm nghiệp là triển khai rà soát lại để sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả chứ không đơn thuần là “chồng gộp” tất thảy các dự án để lấy đất một cách tràn lan, vô tội vạ.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 12 công ty nông, lâm nghiệp được phê duyệt chuyển đổi, sắp xếp, dự kiến tổng quỹ đất thu hồi bàn giao về địa phương trên 16.000ha.

Một cán bộ chuyên ngành, khẳng định: “Quá trình thu hồi đất không quá khó nhưng việc xác định đối tượng, chủ thể, phạm vi lại cực kỳ phức tạp. Không phải ngẫu nhiên nhiều địa phương thu hồi xong nhưng không bàn giao được cho dân, thực tế với những diện tích, lô khoảnh thuận lợi thì không nói làm gì, ngược lại những vị trí xa tít tắp, mù mịt đường đi lối lại, mốc giới không rõ ràng thì chẳng ai muốn tiếp nhận. Chung quy giao đất lâm nghiệp đến tay người dân vô cùng khó”.

Sự nhập nhằng nói trên là nguồn cơn kéo giãn quá trình thu hồi đất tại địa phương này suốt 2 năm trời, loay hoay ngần ấy thời gian với sự tham gia của hàng loạt Sở ngành, trải qua rất nhiều cung đoạn rốt cuộc Sở Tài chính mới chính thức có quyết định tham mưu để UBND tỉnh Nghệ An tiến tới thu hồi trên 100ha của Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An, con số chưa bằng phân nửa kế hoạch ban đầu. Diện tích còn lại chưa tính đến vì chưa đủ điều kiện thu hồi(!).

Việc thị xã Thái Hòa nằng nặc yêu cầu nhượng lại 281ha là có nguyên do. Cụ thể, trong trường hợp công ty đưa vào phương án cổ phần hóa thì nghiễm nhiên tài sản trên đất sẽ gắn liền với cá nhân, đồng nghĩa kinh phí bồi thường GPMB sẽ cao chót vót.

Ngược lại, nếu thu hồi đất trên danh nghĩa thuộc quyền quản lý của nhà nước thì nguồn chi sẽ giảm đi rất nhiều.

Về phía Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An, ý thức quỹ đất hơn 281ha mang ý nghĩa sống còn, trong trường hợp bị thu hồi tất thảy chắc chắn sẽ gây xáo trộn nặng nề đến tâm lý của số đông người lao động cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động về sau, thế nên đơn vị này đã nhiều lần khước từ. Dù vậy sau khi tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn, hiện công ty đã cơ bản thuận theo về mặt chủ trương.

Nhiều diện tích thu hồi có vị trí trắc địa, đặc biệt là hơn 4,1ha thuộc sự quản lý của Xí nghiệp thu mua và chế biến Cà phê Cao su. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều diện tích thu hồi có vị trí trắc địa, đặc biệt là hơn 4,1ha thuộc sự quản lý của Xí nghiệp thu mua và chế biến Cà phê Cao su. Ảnh: Việt Khánh.

Điều đáng nói, trong diện tích nêu trên có nhiều địa điểm đảm bảo giá trị sinh lợi cao, như 4,1ha thuộc sự quản lý của Xí nghiệp thu mua và chế biến Cà phê Cao su (thuộc Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An) với 2 nhà máy chế biến, hệ thống kho và văn phòng làm việc.

Nguyện vọng xin giữ lại đất không thành, hiện công ty chỉ mong mỏi các cấp ngành liên quan sớm hoàn thiện thủ tục, quy trình tổ chức đấu giá để hỗ trợ một phần kinh phí khi xây dựng nhà máy chế biến mới.

Dự kiến ngay sau khi hoàn thành Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An sẽ lập tức di dời, đồng thời thực hiện đồng bộ các bước nhằm tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho trên dưới 4.000 lao động. Nhưng đáp lại đề nghị là thái độ dửng dưng hết ngày này qua tháng khác.

Về hiện trạng, diện tích hơn 4,1ha đất vàng có vị trí trắc địa, phía bắc giáp khu dân cư, phía nam giáp đường giao thông, phía đông giáp đường dân sinh nội thị xã, phía tây giáp đường quy hoạch. Ban đầu quỹ đất nằm trong kế hoạch đối ứng để thanh toán cho dự án BT - Đổi đất lấy công trình “Cầu Hiếu 2 và đường 2 đầu cầu” do Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do nên mọi con tính đổ bể vào phút chót.

Liên quan đến nội dung này, ngày 27/2/2019 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 139/QĐ-UBND giao Sở Tài chính lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Dù vậy, đến nay sự việc vẫn đang bỏ ngỏ.

Một mớ bòng bong

Ghi nhận đến tháng 4/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 3 quyết định thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý hơn 133 ha đất tại các xã Đông Hiếu, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Tiến và Tây Hiếu.

Trên cơ sở này, UBND thị xã Thái Hòa đã phê duyệt phương án sử dụng đất tổng thể để giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, quá trình thực thi đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, tại Điểm C Khoản 2 Điều 15 của Nghị định 118/2014/NĐ.CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định: “Diện tích đất để lập phương án giao, cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân không được cao hơn mức bình quân của các hộ dân sử dụng đất tại địa phương, diện tích trên mức bình quân phải chuyển sang thuê đất…”.

Trên 100ha đất của Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An đã được thu hồi nhưng việc bàn giao lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ảnh: Việt Khánh.

Trên 100ha đất của Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An đã được thu hồi nhưng việc bàn giao lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ảnh: Việt Khánh.

Quá trình phối hợp với Đơn vị tư vấn xây dựng dự toán phục vụ việc đo đạc, lập phương án giao đất đối với diện tích hơn 290ha (đã thu hồi hơn 133ha, đang trình tiếp 157ha), dự kiến cần nguồn kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Về nội dung này, thị xã Thái Hòa đề xuất phương án chính quyền và người dân đảm đương 50%, cấp trên hỗ trợ 50%.

Tuy nhiên đặc thù của 2 xã Đông Hiếu và Tây Hiếu là được thành lập, chia tách từ các nông trường, từ trước đến nay cơ bản không có đất nông nghiệp giao cho các hộ theo Nghị định 64, thành thử diện tích bình quân/hộ dân thấp.

Tại phương án tổng thể đã phê duyệt thì xã Đông Hiếu có định mực bình quân 4.300 m2/hộ, xã Tây Hiếu 5.000 m2/hộ, xã Nghĩa Tiến 5.000 m2/hộ.

Trong khi đó diện tích đất thu hồi của nông trường bàn giao về địa phương quản lý tại 3 xã này chủ yếu là đất trồng cao su, cà phê, mỗi hộ nhận khoán từ 1 - 2ha. Mức chênh lệch quá lớn chính là rào cản, với diễn biến lúc này việc tìm được tiếng nói chung khó có thể hoàn thành chỉ trong một sớm một chiều.

Ở một khía cạnh khác, dù Sở Tài nguyên – Môi trường đã ban hành văn bản số 4846/HD-STNMT đề cập “những diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang hình thức thuê đất”, tuy nhiên trên thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thẩm quyền, trình tự thủ tục đối với phần đất này.

Xét đến yếu tố khách quan, quá trình thực hiện đã xảy ra tình huống trong cùng một thửa đất có những phần diện tích thuộc từng hộ gia đình, từng cá nhân được cấp GCN, đồng thời có cả một phần đất được cho thuê.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 46 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có nội dung: “UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương; chỉ đạo thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất theo phương án được duyệt, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho công ty…”.

Chiếu theo đây, chính UBND thị xã Thái Hòa cũng tỏ ra mơ hồ và thực sự rối, điều này được thể hiện qua nội dung có trong văn bản số 329/UBND-TNMT liên quan đến việc xin ý kiến giải quyết: “Hiện phương án sắp xếp lại nhà đất, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, diện tích đã được UBND tỉnh thu hồi, bàn giao về thị xã quản lý lại nằm trong phương án mà các Sở, ban ngành đang thẩm định, vậy đã đủ điều kiện giao đất, cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân hay chưa”?

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.