Mỗi ngày các trang trại ép được từ 1 - 2 tấn phân khô. Ảnh: TN. |
Ngày 19/5/2019, DTLCP đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên. Xét cho cùng, Hà Tĩnh phòng dịch được đến bây giờ đã là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Trước khi địa phương công bố lợn bị dịch, chúng tôi đã đến khảo sát công tác phòng, chống DTLCP tại một số trang trại lớn ở thị xã Hồng Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà... Một giải pháp bất di bất dịch tại các trang trại là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hơn 3 tháng nay chủ trang trại nào cũng ăn ở với... lợn. Muốn gặp được họ chúng tôi chỉ còn cách liên hệ qua điện thoại.
Vừa bắt máy, ông Nguyễn Văn Hoàn, tổ dân phố 4, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh phủ đầu ngay: “Chúng tôi cấm trại hơn 3 tháng nay rồi. Bây giờ dịch dã không vào trại được”. Khi chúng tôi nêu rõ quan điểm không tiếp cận trại, ông Hoàn mới cởi mở trao đổi.
Theo chủ trang trại này, cách đây hơn 3 năm ông thuê hơn 2ha đất của phường đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 2 dãy chuồng chăn nuôi gia công 1.000 con lợn thịt cho Cty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Trong quá phát triển trang trại, công tác bảo vệ môi trường được ông chú trọng hàng đầu. Tuy nhiên, do tổng đàn lớn, lượng phân, nước tiểu của lợn đổ ra hố biogas quá nhiều nên những ngày trái gió trở trời mùi hôi thối vẫn bốc lên, ảnh hưởng đến môi trường sống của những hộ dân quanh trang trại.
Cuối năm 2018, được sự hỗ trợ của dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) Hà Tĩnh, ông Hoàn đưa hệ thống máy ép phân vào vận hành thử nghiệm. Kết quả bước đầu có thể khẳng định: “Công nghệ này hết sức hữu ích, cần thiết và hiệu quả đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn”.
Ông Hoàn phân tích, hiện nay, 1.000 con lợn thịt của trang trại mỗi ngày thải khoảng 1,2 tấn phân. Nếu xử lý bằng công nghệ rửa chuồng, đẩy chất thải vào hầm biogas thì chả mấy chốc hầm biogas quá tải. Tuy nhiên, sau khi đưa máy ép phân vào sử dụng, toàn bộ chất thải được ép để... biếu bạn bè làm phân hữu cơ, tái sản xuất.
“Trước đây phân vừa nhão nhoét vừa hôi thối nên không gom được để làm phân hữu cơ, nhưng kể từ khi đưa công nghệ máy ép phân vào sử dụng lượng chất thải đổ vào hầm biogas giảm được 50%, nước thải đỡ đậm đặc nên khi thải ra môi trường giảm hẳn mùi hôi thối”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Theo các chủ trang trại ở huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh, việc sử dụng máy ép phân xử lý môi trường kết hợp cách ly trang trại đã góp phần phòng chống DTLCP hiệu quả. Ảnh: TN. |
Đồng quan điểm, chị Hải, chủ trang trại lợn quy mô 2.000 con ở huyện Lộc Hà cho rằng, những trang trại lớn xây dựng gần các khu vực sản xuất rau màu nếu áp dụng hệ thống máy ép phân vào xử lý chất thải thì vô vùng hiệu quả.
“Trong bối cảnh DTLCP đang hoành hành trên địa bàn cả nước, tôi nghĩ trang trại nào sử dụng máy ép phân để xử lý chất thải đó chính là lợi thế, là giải pháp sáng suốt góp phần phòng dịch hiệu quả”, chị Hải nói. |
Một mặt công nghệ này giải quyết được bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mặt khác cung cấp lượng phân hữu cơ vô tận phục vụ sản xuất. Đặc biệt, về lâu dài, khi môi trường được bảo vệ đồng nghĩa với việc dịch bệnh sẽ khó phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi.
Theo chủ trang trại này, sau khi kết thúc dự án, nếu khấu hao máy móc với giá cả phù hợp chị sẽ đầu tư mua máy ép phân này.
Thực tế, việc vận hành máy ép phân không có gì khó khăn, điều quan trọng là công nhân phải chịu khó.
Về lâu dài, khi vận hành máy chuyên nghiệp trang trại sẽ ép phân bán cho bà con trong vùng, tăng nguồn thu cho công nhân, phía trang trại chỉ thu đủ tiền điện và chi phí bao bì.