| Hotline: 0983.970.780

Miền núi miền xuôi cuống cuồng chống bão

Thứ Ba 27/10/2020 , 17:17 (GMT+7)

Cơn bão số 9 với dự báo sức gió rất kinh hoàng đang khiến người dân Bình Định cuống cuồng với việc ứng phó.

Vùng biển khẩn trương

Về xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) ngày cận kề cơn bão số 9, chúng tôi nhận thấy không khí cuống cuồng bao trùm khắp xã biển. Ở đây có đến 400 căn nhà cấp 4 cần phải gia cố để đủ sức chống chọi với bão dữ. Khắp cả vùng bãi ngang từ đầu bãi đến cuối gành, đâu đâu cũng thấy hình ảnh người dân cùng những người lính tất bật với việc cho cát vào bao, di chuyển về những căn nhà để đưa lên giằng những mái tôn.

Ngư dân Bình Định khẩn trương cột giằng tàu cá tại nơi neo đậu tránh trú bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Bình Định khẩn trương cột giằng tàu cá tại nơi neo đậu tránh trú bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, trong 2 ngày 26 và 27/10, lực lượng bộ đội biên phòng, công an, dân quân, thanh niên xung kích đã hỗ trợ người dân địa phương hốt cát cho vào bao giằng chống những mái nhà đơn sơ. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho người dân 7.000 bao tải đựng cát nhưng chưa đủ, chiều 27/10 TP Quy Nhơn tiếp tục hỗ trợ thêm 5.000 cái nữa.

Có lẽ 27 hộ nuôi tôm hùm lồng ở Nhơn Hải là sợ bão nhất. Do đó, từ cơn bão số 6 họ đã chủ động giằng chống lồng bè. Thế nhưng trước “siêu bão” số 9, họ không thể yên tâm, phải thả chìm lồng nuôi dưới biển giằng neo rất kỹ rồi kéo bè nổi vào nơi an toàn.

Lực lượng vũ trang giúp dân xã biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) xúc cát giằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lực lượng vũ trang giúp dân xã biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) xúc cát giằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện chúng tôi đã vận động ngư dân đưa 154 tàu thuyền đánh cá và 6 bè du lịch vào nơi an toàn. Người nuôi tôm hùm lồng cũng đã kéo 30 bè nổi vào bờ, còn 300 lồng nuôi hơn 45.000 con tôm hùm thì họ thả ngầm dưới nước, buộc gia cố những lồng nuôi bằng dây neo, cột giằng kỹ càng để tránh sóng đánh trôi, người nuôi tôm đã về nhà để lo giằng chống nhà cửa”, ông Thắng cho hay.

Mỗi khi bão quét qua Bình Định, thì các địa phương khu Đông thuộc huyện Tuy Phước như các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Do nằm sát đầm Thị Nại, nên những khu dân cư ở đây “hứng” trực tiếp gió từ đầm thốc vào.

Những người lính giúp dân đưa những bao cát lên cao giằng mái nhà để tôn khỏi bay trong bão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những người lính giúp dân đưa những bao cát lên cao giằng mái nhà để tôn khỏi bay trong bão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghe thông tin về cấp độ của cơn bão số 9, ông Phan Châu Phi (66 tuổi) ở thôn Diêm Vân thuộc xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), dù đã ở trong căn nhà vững chãi nhưng vẫn chưa thoát nỗi ám ảnh căn nhà của mình bị sập trong cơn bão năm 2017. “Quanh tường căn nhà mới tôi đúc đến 13 trụ bê tông để chống bão. Giờ đã ở trong căn nhà kiên cố, nhưng nghe bão số 9 có gió giật cấp 15 nên tôi vẫn rất lo, bởi khu dân cư ở đây hứng trực tiếp gió bão từ đầm Thị Nại thốc vào”, ông Phi lo lắng nói.

Miền núi hối hả

Sáng 27/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Định do ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định dẫn đầu, đã đi khắp các địa bàn trọng yếu trong tỉnh để kiểm tra công tác phòng chống bão số 9.

Trong chuyến công tác này ông Dũng đã kiểm tra tình hình sạt lở tại huyện An Lão và việc neo đậu tàu thuyền tại TX Hoài Nhơn. Ở huyện An Lão, do ảnh hưởng từ bão số 8 kèm mưa lớn khiến một số tuyến đường ở một số xã miền núi bị sạt lở.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đi kiểm tra những điểm sạt lở tại huyện An Lão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đi kiểm tra những điểm sạt lở tại huyện An Lão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tại xã An Quang đã có 2 điểm sạt lớn xảy ra trên đường liên xã An Quang đi xã vùng cao An Toàn, khiến một đoạn đường dài khoảng hơn 10m bị sạt lở, mở hàm ếch ăn sâu vào tâm đường, tiềm ẩn tai nạn cho người dân khi qua lại, đặc biệt là phương tiện xe tải.

Tuyến đường thị trấn An Lão đi xã An Vinh cũng có nhiều điểm sạt lở, đặc biệt là điểm sạt lở núi tại thôn 1 (xã An Vinh) chắn cả đường đi của người dân. Tại hiện trường, chính quyền địa phương đang huy động phương tiện máy ủi giải phóng đất giúp người dân đi lại.

“Chúng tôi xác định trên địa bàn huyện có 850 hộ dân ở các xã An Hòa, An Nghĩa, An Quang và An Vinh nằm trong vùng nguy hiểm. Huyện đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ, sẵn sàng di dời những hộ dân nói trên đến nơi an toàn”, ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết.

Chính quyền địa phương huy động phương tiện máy ủi giải phóng đất tại điểm sạt lở ở thôn 1, xã An Vinh (huyện An Lão) giúp người dân đi lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chính quyền địa phương huy động phương tiện máy ủi giải phóng đất tại điểm sạt lở ở thôn 1, xã An Vinh (huyện An Lão) giúp người dân đi lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ở Hoài Ân cũng xác định trên địa bàn có 32 điểm nguy cơ sạt lở trong cơn bão số 9 nằm rải rác trên địa bàn 13 xã. Hiện chính quyền huyện này đã lập danh sách 92 hộ dân bị ảnh hưởng để triển khai phương án di dời đến nơi an toàn. “Những hộ dân nằm trong vùng sạt lở chúng tôi sẽ di dời đến các trường học, trụ sở thôn, trụ sở xã nằm ở những điểm cao”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay.

Để bảo vệ an toàn cho người dân, ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo trước 17h ngày 27/10, tất cả các hộ dân sống ven biển, nơi có triều cường; vùng có nguy cơ sạt lở và vùng nguy hiểm phải được di dời đến nơi an toàn. Những hộ không chịu di dời thì lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế và bắt buộc di dời ngay tức khắc. Tại các điểm sạt lở phải cắt cử lực lượng túc trực để phân luồng giao thông, gắn biển cảnh báo. Ông Dũng còn phát lệnh cấm tối khuya ngày 27/10 không cho ai ra đường để giữ an toàn cho người dân.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…