| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung khắc khoải ngóng… trời mưa

Thứ Hai 01/07/2019 , 09:01 (GMT+7)

Trời vẫn nắng lớn, cái nóng cứ bốc lên hầm hập. Từng cơn gió Lào (gió phơn) nóng rát thổi ràn rạt trên mái tôn.

Bà Võ Thị Chứng (thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đứng bên cái giếng khô trơ đáy, hai tay bưng chậu ngước mắt nhìn trời rồi thắc thỏm: “Mong ông trời thương cho trận mưa chứ kéo nắng hết ngày này qua ngày khác như vầy đến chết khát mất thôi”.
 

Giếng khoan… cũng cạn

Về tới đầu thôn Hoành Vinh đã cảm nhận thấy sự khô khát. Trên đường liên xã, cứ thấy người chạy xe máy chở vài cái can lớn nhỏ xin nước chỗ khác về dùng.

14-47-25__1
Bà Chứng: “Mong cho trời sớm có mưa để lấy nước mà dùng”.

Ông Vĩ Doãn Khồ, trưởng thôn cho biết, cả thôn có 830 hộ có gần 3.500 nhân khẩu đang trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Gần như toàn bộ giếng nước đã cạn khô đáy. Số chưa cạn thì cũng chỉ còn nước, bùn đất lẫn lộn. Cách đây mấy năm, thôn có phát động phong trào khoan giếng để dùng. Cả thôn đã có trên 300 giếng khoan (mỗi giếng có độ sâu trên 30m). Đến thời điểm này thì hơn 200 giếng khoan đã mất nước. Số còn lại chỉ bơm được một xô là cạn kiệt.

Nhà bà Chứng có cái giếng sâu gần 20m đào gần 20 năm nay. Bây giờ chỉ có đợi mưa. Hàng ngày, bà phải đi mua nước uống và xin nước về trữ dùng rửa ráy.

Nhà anh Võ Đức Huyện ở xóm trên. Nhà dùng cả giếng đào lẫn giếng khoan. Cách đây hơn tháng trước thì giếng sâu hơn 10m cạn lổn nhổn đá cuối, cả nhà dùng nước khoan. Cách đây hơn tuần, khi đang bơm thì nghe tiếng máy khục khục mấy phát, nước yếu dần rồi ngắt dòng chảy.

Nước giếng khô, cả tháng đi mua nước, xin nước quá mệt mỏi, ông Võ Lượng quyết định kêu thợ về khoan giếng. Chi phí hết khoảng 15 triệu đồng.

Ông bộc bạch: “Chẳng giàu có chi mô. Tui bán cả tấn thóc được dăm triệu. Gọi điện cho hai đứa con làm ở miền Nam nói gửi về cho cha chục triệu khoan giếng chứ không thì chết khát. Con nó cứ dạ dạ nhưng đến nay chưa thấy gửi tiền về. Đánh liều tui kêu thợ khoan giếng cho để cứu khát cái đã”. Tổ khoan giếng phải làm việc xuyên trưa nóng như rang.

14-47-25__2
Nước giếng khoan khô cạn.

Anh Nguyễn Văn Sáu, thợ khoan giếng kéo dây ga tăng công suất rồi hóng chuyện: “Đến độ sâu khoảng 40m rồi vẫn chưa thấy nước anh ạ”. Nói rồi, Sáu cầm lên đưa tôi cục than bùn tròn dài như ống nước được lấy ở độ sâu 40m lên. Cục bùn chỉ hơi ươn ướt chứ chưa nhão dính vào tay.

Ngồi trong nhà ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTXDVNN Hoành Vinh (xã An Ninh) mà nóng như ngồi ngoài trời. Ông Dực mở phanh áo mà mồ hôi cứ thành dòng trên ngực. Ông tính để kéo được nước sạch về cho bà con của thôn phải mất hết 3,5 tỷ đồng. Nhưng để tạm thời lắp được tuyến nước chính dài hơn 2 cây số kéo từ trụ sở UBND xã An Ninh về thì cũng mất 1,5 tỷ đồng. Trước mắt, có tiền ứng trước khoảng 500 triệu đồng bên thi công sẽ lắp ngay cho tuyến nước chính.

Ông đập tay xuống bàn rồi đứng dậy: “Thôi, tôi phải đi vay chạy làm sao đủ tiền để bên đó họ lắp ngay cho tuyến ống đưa nước về cái đã. Chẳng lẽ chưa có tiền lại cứ nhìn cảnh dân nháo nhác vì không có nước sinh hoạt làm sao được”.
 

Canh giữ giếng làng

Xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) với hơn 7.000 ngàn dân đang thiếu nước trầm trọng. Tại các thôn như Nam Lãnh, Phú Xuân, Hải Đông, Xuân Hải… bà con đang phải tận dụng nước tại giếng làng để sử dụng.

Ở thôn Nam Lãnh, mấy năm nay đã có nguồn nước sạch của đồn Biên phòng Roòn cấp cho. Tuy nhiên, những ngày qua lượng nước máy cũng cạn và không thể cung cấp nước thường xuyên cho người dân được. Nhiều hộ dân Nam Lãnh đã bỏ hàng chục triệu đồng để thuê máy khoan giếng nước. Khoan sâu đến năm chục mét, không có giếng nào có nước để sử dụng. Tiền mất mà nước không có dùng, nên nhiều hộ dân lại bám vào giếng làng để chắt nước.

14-47-25__3
Nhiều người dân bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng.

Ông Lê Nhớ Thương, Bí thư chi bộ thôn Nam Lãnh cho hay, giếng làng có từ năm 1958. Đến nay, giếng luôn phục phục nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân các thôn Phú Xuân, Hải Đông, Nam Lãnh… Do lượng người lấy nước nhiều quá nên hiện giếng cũng đang cạn dần.

Từ 4 giờ sáng, người dân đã đến giếng để lấy nước. Người nhà gần thì gánh, ở xa thì phải tập trung các loại thùng chứa nước lớn bé để chở về. Thôn phải cắt cử người trực để phân phối nước. Ai đến trước, lấy trước, đến sau lấy sau để tránh ồn ào sinh chuyện.

“Ngày nào cũng đi lấy nước. Cực lắm, nhà không có chi để chứa nước nên phải mượn can của hàng xóm. Chở nước về đổ đầy vào xô, chậu dùng trong ngày. Can phải trả để cho người mượn đựng nước giếng về. Mọi người luân phiên mượn can của nhau để đi lấy nước” - một người dân cho hay.
 

Nước sạch nhiễm mặn như pha muối

Các xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa… (huyện Tuyên Hóa) được dùng nước công trình do Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh cung cấp. Công trình có lưu lượng nước 2.200m3/ngày - đêm thường xuyên cung cấp nước cho gần 4.000 hộ dân.

14-47-25__4
Lấy nước giếng làng ở xã Quảng Phú.

Tuy nhiên, hạn hán kéo dài nên lưu lượng nước chỉ còn 400 m3 khối/ngày - đêm. Điều đáng ngại hơn do nước mặn xâm nhập lên quá cao nên nước từ công trình phục vụ cũng bị nhiễm mặn vượt đến gần 7 lần so với chỉ số bình thường.

Chị Hà Thị Hiền (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) cho biết hơn tháng nay nước từ công trình đưa về bị nhiễm mặn rất nặng. “Cơm nấu ăn cứ nhẩn nhẩn, nước uống thì mặn như pha muối. Cả vùng ai cũng phải dùng. Nếu không thì cũng không có nước mô cả” - chị Hiền nói.

Nhiều người dân xã Tiến Hóa, Mai Hóa… đều nói nước do công trình cung cấp mấy năm nay rất tốt. Chỉ có năm nay hạn quá nên nước mặn xâm nhập cao khiến nước đổi vị.

14-47-25__5
Chị Hiền: “Nước sạch cũng bị nhiễm nặm nặng”.

Ông Chu Văn Tú (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) chia sẻ: “Do hạn hán nên vậy. Nhưng dù sao vẫn còn có nước để dùng. Chứ như những nơi khác còn phải dùng nước nhiễm phèn, nước lẫn mùi bùn, mình được vậy là cũng may rồi”.

Anh Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trạm tích nước thường xuyên và cấp nước luân phiên cho bà con. Để hạn chế nhiễm nặm, khi thủy triều xuống là tăng cường lấy nước để ít ảnh hưởng nhất do thâm nhập mặn gây nên”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.