| Hotline: 0983.970.780

Mỏ cát "cướp" đất sản xuất

Thứ Tư 18/12/2013 , 10:44 (GMT+7)

Nhận được đơn của nhiều hộ dân ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) phản ánh mỏ cát do Cty TNHH Đắc Tài khai thác trên sông Kôn không làm đúng quy trình đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh vùng...

Nhận được đơn của nhiều hộ dân ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) phản ánh mỏ cát do Cty TNHH Đắc Tài khai thác trên sông Kôn không làm đúng quy trình đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh vùng và gây hại đến nhiều diện tích đất SX, PV NNVN đã đi tìm hiểu thực tế.

Mới giữa buổi sáng mà trên tỉnh lộ 636 đã nườm nượp những chiếc xe chở cát xây dựng chạy từ xã Bình Nghi (Tây Sơn) xuống phường Bình Định (TX An Nhơn). Đó là những chiếc xe cát được lấy từ mỏ cát Bình Nghi đưa về các công trình xây dựng.

Tiếp cận với mỏ cát, chúng tôi chứng kiến cảnh 3 chiếc xe múc liên tục vục xuống bãi cát ven sông Kôn làm thành những vùng sâu hoắm. Hết lượt này đến lượt khác, những chiếc xe chở cát nối đuôi chờ đến lượt nhận cát. Đoạn tỉnh lộ 636 dẫn ra mỏ bị các xe chở cát băm nát, dù mới được khắc phục sau cơn lũ, giờ đã lở lói.

Theo phản ánh của người dân quanh vùng, mỗi ngày, mỏ cát này bị lấy đi hàng trăm xe cát. Vùng khai thác bị xe múc đào thành những cái hầm sâu đến hơn 2 m, làm thay đổi dòng chảy của sông, gây hại đến nhiều diện tích đất SX nằm cạnh bờ sông của 2 vùng giáp ranh.


Xe múc đào sâu hố cát đến 2 m

Lão nông Võ Phú (74 tuổi) ở xóm Phú Mỹ, thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) vác cuốc đứng tần ngần nhìn vùng đất của mình bị xâm thực nghiêm trọng không thể SX được, nói: “Tại đây tui có 4 sào đất, chuyên trồng cây dưa hấu và đậu phộng. Đó là nguồn sống của gia đình tui từ xưa đến nay, bởi mỗi năm 4 sào đất này cho thu hoạch 8 tấn dưa và 4 tạ đậu phộng.

Khi đoạn sông này chưa cho khai thác cát, lòng sông còn bằng phẳng, nước lũ tuôn về bao nhiêu là trôi tuột ra biển hết bấy nhiêu. Bây giờ, bờ sông bị những xe múc cát đào thành những cái hầm to, sâu lút đến hơn 2 m. Trong cơn lũ vừa qua, nước về đến đoạn sông này, gặp những cái hầm sâu liền cuộn vào bờ phá tan hoang 10 sào đất của bà con ở đây”.

Đúng như ông Phú nói, cả vùng đất sa bồi màu mỡ giờ đã bị xâm thực toàn bộ, sâu đến cả mét, cát tràn vào nên không thể còn trồng cây gì được nữa.


Ông Võ Phú xót xa nhìn mảnh đất bị xâm thực không còn SX được

Phía trên đó 1 đoạn, bà Đoàn Thị Sử (67 tuổi) ở xóm 1, thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (Tây Sơn) cùng con trai đang khom lưng dọn những đống đất đá bị bồi lấp trong đám đất rộng 2 sào. Lấy ống tay áo quệt mồ hôi, bà Sửu than thở: “Không biết họ khai thác cát thế nào mà đợt lũ này nước cuộn vào phá bức cả đoạn đường tỉnh lộ, lùa đất đá vào đám đất của tui. Giờ mẹ con tui phải ra sức dọn để trồng cây bắp, bụi đậu kiếm ăn chứ không thì đói chết”.

Ông Lâm Chí Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), bộc bạch: “Trước đây, Cty TNHH Đắc Tài xin phép mở mỏ cát ven sông Kôn thuộc địa bàn xã Nhơn Phúc, nhưng lo ngại việc khai thác cát sẽ gây hại đến đê Thắng Công nên chúng tôi không đồng ý. Vậy là họ xin khai thác trên địa bàn xã Bình Nghi. Tuy mỏ cát không ở trên địa bàn, nhưng do là vùng giáp ranh, lại nằm phía dưới nguồn nên nhiều diện tích đất SX của bà con xã Nhơn Phúc đã bị hoạt động khai thác cát gây ra nạn xâm thực nghiêm trọng”.

Mỏ cát Bình Nghi được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác cát xây dựng cho Cty TNHH Đắc Tài vào ngày 8/8/2013. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát tại đây đã diễn ra từ lâu.

Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho biết: “Trước đây, khi mỏ cát này chưa được UBND tỉnh quy hoạch mỏ, do UBND xã quản lý. Khi ấy, UBND xã Bình Nghi cho Hội Khuyến học xã do ông Võ Tài (hiện là Giám đốc Cty TNHH Đắc Tài) làm Chủ tịch Hội tổ chức khai thác, bán cát gây quỹ cho Hội Khuyến học, mỗi năm nộp vào ngân sách xã khoảng 2-3 triệu đồng. Từ khi ông Võ Tài thành lập DN, UBND tỉnh quy hoạch mỏ cát và cấp phép cho Cty TNHH Đắc Tài khai thác tại đây”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Luận, Phó GĐ Sở TN-MT, cho biết: “Trước đây, toàn bộ hồ sơ cấp phép khai thác cát đều do UBND huyện làm, từ cam kết của DN và phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác thì công tác quản lý ở cấp cơ sở bị buông lỏng, DN mặc sức làm, bất chấp quy định. Vấn đề kiểm tra DN có khai thác đúng với thiết kế không cũng không được ngành chức năng hậu kiểm, do đó dẫn tới nhiều hệ lụy. Riêng Cty TNHH Đắc Tài, trước đây chúng tôi đã xử phạt 1 lần do khai thác sai vị trí mỏ”.

“Thực tế, vấn đề khai thác cát vượt quá độ sâu cho phép xảy ra nhan nhản, đã ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt của bà con. Chuyện 2 đứa trẻ bị chết đuối tại mỏ cát ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) là ví dụ. Hai cháu này chủ quan, cứ ngỡ là hầm khai thác tại mỏ cát không sâu lắm nên nhảy xuống tắm, không ngờ hầm sâu lút nên bị đuối nước”, ông Lê Minh Luận.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.