| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 14/09/2021 , 08:55 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:55 - 14/09/2021

Mở hướng dịch vụ điều trị Covid-19 có thu phí

Để giảm gánh nặng tài chính quốc gia và bớt quá tải hệ thống y tế công cộng, thì xu hướng dịch vụ điều trị Covid-19 cần được triển khai hiệu quả.

Cột mốc 15/9 để đô thị lớn nhất phương Nam quay lại trạng thái bình thường mới, đã không thể diễn ra như mong đợi của nhiều người. Lý do, mô hình áp dụng “thẻ xanh” và “thẻ vàng” vẫn còn nhiều bất cập.

Theo giải thích của lãnh đạo TP.HCM, thì tiêu chí dự kiến để cấp “thẻ xanh” là người dân phải tiêm đủ 2 mũi vacxin sau 2 tuần. Hiện tại thì “thẻ xanh" mới có hiệu lực. Tính đến ngày 15/9, có khoảng 1,5 triệu người đã tiêm mũi 2, nhưng đối tượng này đa số là người lớn tuổi và có bệnh nền nên vẫn khuyến cáo hạn chế di chuyển. Với số lượng “thẻ xanh” khá nhỏ, thì “thẻ vàng” cũng chẳng mấy tác dụng.

Tuy chưa thể nới giãn cách xã hội, nhưng một động thái khác đáng chú ý là TP.HCM bước đầu khuyến khích xu hướng dịch vụ điều trị Covid-19. Không thể tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng và cũng không thể phong tỏa quá lâu các hoạt động sản xuất, thì cách duy nhất giảm áp lực cho hệ thống y tế công cộng là cổ vũ các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào cuộc chiến chống dịch.

Lâu nay, vài cơ sở y tế tư nhân được trưng dụng cho việc hỗ trợ bệnh nhân Covid-19, nhưng chưa được thu phí dịch vụ điều trị. Vậy, các cơ sở y tế tư nhân lấy đâu nguồn kinh phí để hoạt động? Một số bệnh viện ngoài công lập đã vận động bệnh nhân quyên góp hoặc cam kết tự nguyện chi trả viện phí. Đây là một phương pháp hơi miễn cưỡng và kém sòng phẳng. Bởi lẽ, ngoài thù lao của đội ngũ nhân viên, thì thuốc đặc trị và oxy cho bệnh nhân luôn đòi hỏi khoản tiền cực lớn mỗi ngày. Nếu không thu phí trực tiếp mà chờ đợi ngân sách chi trả, thì không cơ sở y tế tư nhân nào đủ sức cầm cự.   

Mỗi ngày, TP.HCM vẫn đang có thêm hàng nghìn ca nhiễm Covid-19, khiến các bệnh viện dã chiến ứng phó khá chật vật. Để những F0 có khả năng kinh tế không phải nằm nhà chờ đợi sự tư vấn từ xa, mà được thụ hưởng sự chăm sóc tốt nhất, thì nên công khai ủng hộ dịch vụ điều trị Covid-19 có thu phí. Nếu tính tất cả các chi phí, mỗi bệnh nhân Covid-19 tốn khoảng 7 triệu đồng/ngày cho bệnh nhẹ và khoảng 20 triệu đồng/ngày đối với bệnh nặng.

Cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến của toàn dân. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa phải là một đất nước phát triển có ngân sách dư dả. Để bớt gánh nặng tài chính quốc gia và bớt quá tải hệ thống y tế công cộng, thì xu hướng dịch vụ điều trị Covid-19 cần được triển khai minh bạch và hiệu quả. Bởi lẽ, khi TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác chấp nhận sống chung lâu dài với Covid-19, thì những ai không có ý thức tuân thủ nghiêm túc 5K sẽ tự trả chi phí điều trị nếu dương tính virus corona.

Trên lộ trình phục hồi đời sống đô thị cho TP.HCM và mở cửa lại nền kinh tế đã bị tác động sâu rộng bởi đại dịch toàn cầu, không thể trông cậy vào việc duy trì sự hiện diện của các bệnh viện dã chiến, mà phải khuyến khích xu hướng dịch vụ điều trị Covid-19 có thu phí.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm