| Hotline: 0983.970.780

'Mỗi làng một sản phẩm'- giải pháp hữu hiệu xây dựng nông thôn mới bền vững

Thứ Tư 01/03/2017 , 13:30 (GMT+7)

Đây là cách phát triển ở làng nghề nông thôn rất hiệu quả. Cách làm này có xuất xứ từ Nhật Bản sau đó được nhiều nước nghiên cứu ứng dụng với tên gọi có thể khác nhau...

“Tôi nghĩ, Quảng Ninh đã làm được thì nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều có khả năng làm được và rất hy vọng chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” sẽ trở thành hiện thực, sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phát triển kinh tế nông thôn - tạo nội lực cho xây dựng NTM bền vững”, ông Tăng Minh Lộc (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Phát triển khoa học nông nghiệp Việt Nam.

phi1191807281
 

Kết quả rất triển vọng

Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị với các tỉnh, thành phố bàn về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Ông có thể cho biết nội dung chính của chương trình này là gì?

Đây là cách phát triển ở làng nghề nông thôn rất hiệu quả. Cách làm này có xuất xứ từ Nhật Bản sau đó được nhiều nước nghiên cứu ứng dụng với tên gọi có thể khác nhau và Thái Lan là nước rất thành công.

Tư tưởng chủ đạo của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (tiếng Anh gọi tắt là OVOP) là: Nhà nước định hướng kiến tạo và hỗ trợ (chủ yếu hướng vào hỗ trợ đổi mới công nghệ, đào tạo lao động, xây dựng phân cấp sản phẩm và quảng bá sản phẩm.

Người dân nông thôn, bao gồm hộ và nhóm hộ, tự quyết chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư công nghệ, đào tạo tay nghề, tổ chức sản xuất và quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ (bao gồm cả liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp…) để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng tới không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Kết quả phải đạt được là: Nâng cao thu nhập cho thành viên tham gia. Từ đó thúc đẩy đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, tạo nội lực tốt để phát triển nông thôn bền vững.

Ở đây cũng cần hiểu “Mỗi làng một sản phẩm” thì sản phẩm ở đây là rất đa dạng: không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà có thể là: một giống lúa, giống lợn tốt hoặc một loại cây ăn trái, một loại sản phẩm chế biến, một loại sản phẩm du lịch nổi tiếng được tạo nên từ lợi thế đặc thù của địa phương. Và “mỗi làng” cũng không có nghĩa là làng nào cũng phải có mà đây chỉ là cụm từ chỉ một phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn.

Ở nước ta có nhiều địa phương làm chưa và nơi nào được coi là thành công?

Ở nước ta việc xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” được xem là một nội dung xây dựng nông thôn mới và đã được thể hiện trong Quyết định 24/2009/QĐ-TTg. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà chưa phát triển được.

Một số nơi như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… đã làm nhiều năm nhưng kết quả còn hạn chế. Quảng Ninh năm 2013 mới khởi sự nhưng do đã tổ chức nghiên cứu học tập rất bài bản từ Nhật Bản và Thái Lan, sớm hình thành được đội ngũ chỉ đạo tham mưu chuyên nghiệp, có nhiều cách làm sáng tạo và đầu tư đúng tầm nên đã có kết quả rất triển vọng.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Sau khi nghiên cứu, Quảng Ninh đã đặt tên chương trình là “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và đưa thành chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đã hướng vào phát triển trước nhóm sản phẩm lợi thế như: lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, tôm thẻ chân trắng, hàu Thái Bình Dương; ba kích, trà hoa vàng; miến dong, gạo nếp cái hoa vàng...

Tỉnh đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, mua sắm máy móc, thuê gian hàng, tổ chức hội chợ và đã đầu tư gần 300 tỷ đồng cho chương trình này, không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia đi vào khởi sự mà còn tạo nền lâu dài cho cho chương trình.

Quảng Ninh cũng đã chủ động nghiên cứu ban hành bộ công cụ quản lý chương trình như: Xây dựng nhãn hiệu OCOP; Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Chu trình chuẩn OCOP (gồm 6 bước tiến hành) và đã tổ chức nhiều hội chợ quảng bá để tạo điều kiện cho các đơn vị và sản phẩm tham gia được cọ xát, được đánh giá bởi thị trường.

Đến nay đã có 210 sản phẩm của 180 hộ và nhóm hộ (HTX) đăng ký tham gia OCOP. Phần lớn các đơn vị này đều có hợp tác liên kết với doanh nghiệp, nhà khoa học. Đã có 103 sản phẩm nhận được hỗ trợ của ngân sách tỉnh. 99 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3-5 sao (tiêu chuẩn Quảng Ninh) trong đó có cả các sản phẩm du lịch như làng Yên Đức, lễ hội hoa ở Hoành Bồ, Ba Chẽ...

20150426-nh-119170815
Các đại biểu tham quan gian hàng OCOP của Hoành Bồ (Quảng Ninh)
 

Trong 3 năm thực hiện tổng giá trị hàng hóa bán ra của OCOP Quảng Ninh là trên 672 tỷ đồng (gấp 3 lần kế hoạch). Điều quan trọng là càng ngày số hộ, nhóm hộ đăng ký tham gia OCOP ngày càng nhiều - đây là minh chứng cho sức sống của chương trình.
 

Giải pháp hữu hiệu cho xây dựng NTM

Vậy kết quả từ Quảng Ninh liệu có khả năng mở rộng ra toàn quốc không thưa ông và bằng cách nào?

Từ kết quả của Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác đã khẳng định ý nghĩa của chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” là:

Nâng cao hoặc phát triển mới, tạo ra nhiều lại sản phẩm tốt, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Qua đó tăng thu nhập cho các thành viên tham gia, trước hết là cư dân nông thôn.

Là giải pháp thiết thực thúc đẩy cơ cấu kinh tế lại nông thôn rất phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Rất phù hợp với đặc điểm chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ của nông thôn nước ta và do đó sẽ khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đa dạng của truyền thống sản xuất, của sinh thái và văn hóa tạo sự đa dạng cho sản phẩm đặc hữu, đậm chất văn hóa của các vùng quê.

Đây là môi trường rất tốt để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường.

Tạo môi trường tốt thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, các hợp tác xã hình thành có “chất” và mới có “đất” để phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo của người dân để tạo ra các sản phẩm đặc sản là niềm tự hào của quê hương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, quảng bá hình ảnh địa phương và quốc gia.

Do đó, có thể khẳng định chương trình “Mỗi làng một sản phẩm" là giải pháp hữu hiệu cho xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

Tuy nhiên nếu muốn nhân rộng nhanh thì Chính phủ cần đưa chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” thành chương trình quốc gia (nằm trong Chương trình MTQG xây dựng NTM) để tạo thế và lực cho nó phát triển. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ ban đầu cho địa phương khi “khởi nghiệp” hoặc hỗ trợ nhóm “sản phẩm địa phương” trong chiến lược phát triển thành nhóm “Sản phẩm quốc gia”.

Các tỉnh thành phố cần đưa nó thành một chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương. Phải xác định được nhóm các sản phẩm lợi thế trên địa bàn. Từ đó có đầu tư đúng tầm từ khâu đầu của sản xuất cho đến khâu cuối là tiêu thụ.

Ngoài chính sách chung của Trung ương, mỗi địa phương rất cần phải có chính sách và giải pháp sát hợp để đạt mục tiêu trong đó quan trọng nhất là chính sách thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ. Rồi phải nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm để định hướng sản xuất cho người dân.

Đồng thời phải giúp người dân tổ chức các hội chợ để người sản xuất về sản phẩm được cọ xát, chịu sự đánh giá của thị trường. Đặc biệt quan trọng là phải hình thành được đội ngũ chuyên gia, giúp việc Ban chỉ đạo đúng tầm. Đây có thể coi là yếu tố quyết định sự thành công ở mỗi địa phương.

Tôi nghĩ Quảng Ninh đã làm được thì nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều có khả năng làm được và rất hy vọng chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” sẽ trở thành hiện thực, sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phát triển kinh tế nông thôn - tạo nội lực cho xây dựng NTM bền vững.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.