| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 19/01/2024 , 07:32 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:32 - 19/01/2024

Môi trường giáo dục không phải sàn giao dịch danh lợi

Môi trường giáo dục thêm một lần báo động, khi lần lượt cựu giám đốc và đương kim giám đốc của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang bị bắt giam.

Môi trường giáo dục đang bị vẩn đục bởi danh lợi! Đó là một sự thật không thể lấp liếm hay che đậy. Bởi lẽ, vài năm gần đây, liên tục nhiều nhân vật lãnh đạo trong môi trường giáo dục trở thành bị can, do liên quan đến những sai phạm tài chính.

Vừa khởi tố và bắt giam ông Vũ Văn Sử - cựu Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Giang vào ngày 10/1, thì cơ quan chức năng một tuần sau lại khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Thế Bình đương kim Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Giang. Hai người dẫn dắt sự nghiệp trồng người tỉnh Hà Giang đều dính líu đến những gian lận mua sắm, sử dụng trang thiết bị phục vụ trường học.

Ông Vũ Văn Sửu 65 tuổi và ông Nguyễn Thế Bình 49 tuổi vướng vòng lao lý cùng nhiều cán bộ giáo dục khác, cho thấy cám dỗ vật chất đã xâm hại và hạ gục lương tri nhà giáo quá dễ dàng. Những ai từng đinh ninh môi trường giáo dục luôn thanh sạch và yên lành, sẽ thật sự thất vọng khi chứng kiến nhiều mánh lới bị phanh phui qua quá trình đấu thầu sách giáo khoa và các loại vật tư giáo dục.

Giáo dục không phải ngành công nghiệp không khói và cũng không phải sàn giao dịch danh lợi, để phục vụ cho những mục tiêu kiếm tiền bất chấp giới hạn đạo đức và phẩm giá. Vậy mà, chỉ cần làm một thống kê đơn giản, đã thấy nhiều Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo nối tiếp phạm tội. Cựu Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên nhận bản án 5 năm tù. Cựu Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh nhận bản án 15 năm tù. Cựu Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng nhận bản án 4 năm tù.   

Danh sách các lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo mặc áo phạm nhân chắc chắn sẽ không dừng lại, nếu cộng đồng không xác định được bài học nhức nhối và đau lòng. Vì sao những nhà sư phạm mà không biết giữ gìn vẻ đẹp “nhất tự vi sư”? Do cả xã hội nháo nhào làm giàu nên nhà giáo không thể dưng dưng đứng bên lề? Hay do cơ chế giám sát quá lỏng lẻo và điều kiện nhũng nhiễu quá thuận lợi? Cho dù lý do gì, cũng không thể biện minh cho hành vi thấp hèn của những nhà sư phạm thèm khát những đồng tiền gian manh.

Đã đến lúc phải nghiêm túc đánh giá lại những thói hư tật xấu bủa vây môi trường giáo dục Việt Nam. Sự bất cập của phương pháp dạy và học, chỉ làm nền giáo dục chậm tiến bộ, chứ không thể làm nền giáo dục lung lay và chao đảo. Chính những nhà sư phạm đánh mất sự lương thiện, mới là nguyên nhân cốt lõi khiến bao nhiêu lời hay ý đẹp trong mỗi bài giảng giống như mây mù tăm tối bay qua dòng đời ô trọc.

Thầy không ra thầy, sẽ kéo theo trò không ra trò, trường không ra trường, lớp không ra lớp. Ở một địa phương như tỉnh Hà Giang mà hai Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo kế nhiệm nhau cùng sai phạm, thì không thể phân bua về hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Môi trường giáo dục phải bắt đầu lại, từ việc xây dựng hình ảnh những nhà sư phạm mẫu mực, nếu không muốn bi kịch kéo dài tai ương.