| Hotline: 0983.970.780

Mộng làm giàu, dân nghèo sập bẫy 'cò' lao động

Thứ Năm 26/09/2019 , 10:04 (GMT+7)

Nhiều người dân nghèo ở các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tin vào những lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới làm việc với mức lương “khủng”, nhưng thực chất bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị đánh đập.

Bị lừa bởi mức lương “thiên đường”

Vài tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Chư sê và Chư Pứh có rất nhiều người dân nghèo tin vào các đối tượng môi giới lao động lừa đảo, hứa tìm việc nhẹ, lương cao khi làm việc tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Em Đ.V.V (trú thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) vừa học xong lớp 12 quyết định đi tìm việc làm. Em V. lên mạng tìm thì thấy một website tuyển lao động phổ thông làm nhân viên nhà hàng với mức lương 600.000 đồng/ngày. Thấy vậy, V. rủ thêm một bạn khác liên hệ xin làm việc qua điện thoại và được hẹn đón tại Bến xe Miền Đông (TP. HCM).

Khi đến bến xe, cả hai em được đưa qua nhiều Trung tâm giới thiệu việc làm khác trước khi tới tỉnh Bình Phước làm trong xưởng kính. “Tại đây chúng em bị nhốt trong khuôn viên, làm việc rất cực khổ nhưng tiền không được nhận đúng như cam kết. Còn muốn nghỉ việc, chúng em phải bỏ tiền chuộc thân” - em V. kể lại.

Mới đây, Công an huyện Chư Pứh cũng đã phát đi thông báo người dân nên cảnh giác với các đối tượng "cò" lao động để tránh bị lừa đảo, bóc lột sức lao động.

Anh Thuyn bồi hồi kể lại những tháng ngày kham khổ trên đất Thái

Trước đó khoảng 1 tháng, 6 người dân xã Ia Phang, huyện Chư Pứh gồm: Ksor Chới (1960), Ksor Chiên (1984), Ksor Chuân (1992), Rmah Sunh (1977), Ksor Dot (1982), Ksor Ayop (1970) đi đến bến xe Miền Đông (TP. HCM) thì được một số “cò” giới thiệu đi làm cho tàu cá có số hiệu "BẾN TRE 97940TS" với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi vào làm việc thì những người này làm những công việc rất nặng nhọc, mức lương không như lời hứa ban đầu, rồi còn bị đe doạ, đánh đập. Vụ việc sau đó được người dân phát hiện và trình báo tới công an. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đưa được 6 người này trở về do tàu cá còn trên biển. 

Theo Công an huyện Chư Pứh, các đối tượng "cò" thường xuất hiện ở các bến xe và các địa điểm tuyển dụng lao động ở TP. HCM để tiếp cận người lao động. Những đối tượng này đưa ra điều kiện việc làm hấp dẫn, mức lương “thiên đường”, dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng nhưng thực tế chỉ trả khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Chưa kể, người lao động phải làm những việc hết sức cực nhọc trong thế bị ép buộc, bị chửi bới hoặc đánh đập nếu chống đối, muốn bỏ về cũng không được do đã bị người chủ giữ các giấy tờ tùy thân.
 

Khóc hận khi lao động chui ở Thái Lan

Từ giữa năm 2018, nhiều người dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đồn thổi về cuộc sống sung túc ở Thái Lan. Được dịp, những đối tượng môi giới lao động đã vẽ ra khung cảnh như thiên đường ở xứ Chùa Vàng nhằm thôi thúc, lôi kéo nhiều người vượt biên tới đây.

Nghe lời đường mật, anh Nay Si (SN 1991, trú tại làng Glung Mơlan, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) bỏ vợ, mẹ già và 2 con nhỏ vượt biên sang Thái Lan với mong muốn đổi đời.

“Lúc chưa đi thì nghe họ bảo sang đó làm sẽ có nhiều tiền mà mua xe, xây nhà, trả nợ. Dù không biết làm gì nhưng nghe nói có tiền là mình đi. Có nhiều thanh niên trong làng cùng đi cùng cũng yên tâm hơn” – anh Si nói. Để sang được Thái Lan, anh Si và nhóm thanh niên đã bỏ lại chiếc xe máy ở bìa rừng tại khu vực cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, rồi men theo đường rừng qua biên giới Campuchia, sau đó bắt xe qua Thái Lan.

Gia đình anh Si đã đoàn tụ sau tháng ngày xa cách.

Đến nơi, anh Si cùng nhiều thanh niên đã vỡ mộng bởi cuộc sống nơi gọi là “thiên đường”. “Việc làm ngày có ngày không, làm ngày nào ăn hết ngày đó, có ngày không có cơm ăn. Do vượt biên trái phép nên luôn phải trốn khi có công an Thái Lan truy quét vì nếu bị bắt sẽ ở tù, phải đóng tiền bảo lãnh” – anh Si kể.

Tương tự, anh Siu Thuyn (trú tại thôn Plei Plok, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) bán hết số đồ đạc, vay mượn thêm được 15 triệu để đi Thái Lan. Tuy nhiên, tới nơi anh ở trong khu trọ chật trội, nóng bức. Hàng ngày anh Thuyn được chở đến các công trình xây dựng để làm phụ hồ từ 6 giờ đến khoảng 21 giờ.

“Làm nặng nhọc, được nghỉ ngơi rất ít nên nhiều người không đủ sức. Tuy vậy vẫn phải cố đi vì không đi làm thì họ sẽ không trả tiền, không có cái ăn” – anh Thuyn kể mỗi ngày làm khoảng 10 tiếng thì sẽ được trả từ 300 – 350 baht (220-260 ngàn đồng). Trong khi đó chi phí sinh hoạt đắt gấp nhiều lần tại Việt Nam. Nhiều người chịu không nổi cuộc sống cơ cực đã phải gom góp tiền tìm cách trở về nước.

Không được may mắn về quê hương đoàn tụ, ông Ksor Brêu (SN 1958, trú tại thôn Plei Dap, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) đi lao động chui tại Thái Lan đã bị ô tô tông gãy xương vai phải nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, do không có tiền nằm viện ông Brêu về nằm tại khu nhà trọ tập trung của những người lao động. Thấy vậy, vợ và con gái vượt biên sang thăm ông.  Khoảng 3 tháng sau, ông Brêu tử vong. Không có tiền để chôn cất, vợ con ông phải hỏa táng rồi đưa tro cốt rải trên sông. Hiện vợ và con ông Brêu vẫn lưu lạc ở Thái Lan chưa thể trở về.

Công an huyện Phú Thiện cho hay, đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền địa phương nắm tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền để người dân trên địa bàn ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất để tránh việc vượt biên trái phép. Với những trường hợp người dân phải vay nợ để đi lao động ở nước ngoài, Công an huyện cũng tiến hành làm việc với các chủ nợ để có phương án hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ cho người dân. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chủ động liên hệ với gia đình và bản thân của những người hiện đang lao động ở Thái Lan để cùng động viên, hỗ trợ họ trở về địa phương.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất