| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta luôn chung:

Một hành tinh, Một sức khỏe, Một hệ thống lương thực thực phẩm, Một thịnh vượng

Thứ Hai 24/04/2023 , 06:30 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cá nhân cùng chung tay hành động ngay lúc này để bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại.

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững khai mạc hôm nay 24/4, tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Á đăng cai tổ chức hội nghị cấp Bộ trưởng.

Với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”, Hội nghị có sự tham gia của 300 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu quốc tế, với nhiều lãnh đạo, trưởng ngành nông nghiệp của các nước dự trực tiếp.

Xuyên suốt 4 ngày diễn ra, Hội nghị bao gồm 9 phiên họp chính thức, 10 phiên họp kỹ thuật bên lề và một buổi tham quan thực địa. Cũng trong khuôn khổ chương trình, Đêm hội Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn được tổ chức vào tối 26/4, nhằm quảng bá, giới thiệu các thành tựu và đặc trưng văn hóa, phong tục của nông nghiệp thế giới, cùng các quốc gia tham dự.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi Hệ thống LTTP. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi Hệ thống LTTP. Ảnh: Tùng Đinh.

Hành động ngay trước cuộc khủng hoảng mới

Thay mặt Bộ NN-PTNT, đơn vị chủ trì phối hợp tổ chức hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong hệ thống LTTP, nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống. Đây là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và mọi tác nhân trong toàn hệ thống LTTP.

Bốn nội dung chính được Thứ trưởng chỉ ra. Thứ nhất, tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành để phục hồi sau đại dịch và các khủng hoảng, trong đó có vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng, giảm thất thoát và lãng phí LTTP, thúc đẩy thương mại nông sản công bằng và bền vững, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản.

Thứ hai, thúc đẩy cách tiếp cận theo hệ thống LTTP sẽ tạo ra thay đổi, không những giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo, mà còn trao quyền cho phụ nữ, giải quyết các thách thức môi trường như biến đổi khí hậu, giảm suy dinh dưỡng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững. Thứ trưởng đánh giá, đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển nhanh trên thế giới khi nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Do đó, các quốc gia, tổ chức cần triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, vừa hướng đến phát triển bền vững.

Thứ tư, đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, đa dạng sinh học, rừng và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển và thúc đẩy Hợp tác Nam - Nam với sự hỗ trợ của cộng đồng tài trợ quốc tế.

"Vấn đề đã trở nên cấp bách. Ngay từ bây giờ, chúng ta, với những hiểu biết đầy đủ hơn về thử thách trước mắt, phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh - ngôi nhà chung của nhân loại, bảo vệ sự tồn tại của chính chúng ta và của cả các thế hệ mai sau", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, “sản xuất và tiêu dùng bền vững” cùng “chuyển đổi hệ thống LTTP” là những hoạt động mà tất cả có thể hành động ngay, góp phần cho sự phát triển của các quốc gia, đồng thời không gây nguy hại cho môi trường, cho hành tinh.

"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có chung Một hành tinh, Một sức khỏe, Một hệ thống lương thực thực phẩm, Một thịnh vượng và không thể tách rời", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của FAO, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021, tăng khoảng 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019. Hiện có đến 3,1 tỷ người trên thế giới vẫn không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh, khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, chậm phát triển hoặc thừa cân, béo phì.

Từ những dữ liệu ấy, Thứ trưởng nhắc đến một "cuộc khủng hoảng mới" mà nhân loại đang phải đối mặt. Đó là: tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, Covid-19 và các dịch bệnh mới nổi, xung đột và các khủng hoảng về giá LTTP, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, phân bón và tài chính.

Bộ NN-PTNT đang kiến nghị Thủ tướng việc thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo LTTP” để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững.

Truyền tải nhiều thông điệp từ nước chủ nhà

Sau Hội nghị Thượng đỉnh về LTTP của Liên hợp quốc hồi tháng 9/2021, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam, cũng như đóng góp vào an ninh lương thực thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ, Hội nghị toàn cầu sắp tới là dịp để Việt Nam chia sẻ với bạn bè quốc tế về “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030” vừa được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3. Cùng với đó, là những kế hoạch triển khai cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: Tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”; Thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030” hiện được Bộ triển khai. Ngoài ra, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững, hướng tới truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chuẩn hóa quy cách và chất lượng.

Việt Nam có nhiều nông sản nổi tiếng thế giới, được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến như vải thiều. Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam có nhiều nông sản nổi tiếng thế giới, được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến như vải thiều. Ảnh: Tùng Đinh.

Những quan điểm này đã được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, toàn ngành phấn đấu sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp gắn liền bảo tồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng là cơ hội để tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục trong nước về tiêu dùng xanh, chống lãng phí LTTP và khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ; Nâng cao nhận thức, hành vi của người tiêu dùng - là chủ thể và là trung tâm đầu ra của hệ thống lương thực thực phẩm - về dinh dưỡng, về tiêu dùng xanh, về chống thất thoát lãng phí thực phẩm, về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải khí nhà kính.

Thông qua Hội nghị, Việt Nam sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước, con người, vai trò và trách nhiệm của nông nghiệp Việt Nam với những vấn đề toàn cầu, thúc đẩy thương mại nông sản công bằng và bền vững.

"Đây cũng là không gian để bạn bè quốc tế giới thiệu các sáng kiến, thực hành tốt về hệ thống LTTP bền vững nhằm tăng cường nỗ lực chung hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để 'Không ai bị bỏ lại phía sau: Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Cuộc sống tốt hơn”, Thứ trưởng khẳng định.

Bộ NN-PTNT đang phối hợp xây dựng “Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp” và triển khai thực hiện “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ”. Ngoài ra, chương trình thí điểm tính toán dấu chân các bon cho chuỗi lúa gạo, cà phê, thanh long, tôm cũng được Bộ quan tâm, triển khai cùng UNDP, FAO, UNIDO và các tổ chức nghiên cứu quốc tế (CGIAR).

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.