Vài tháng qua, tần suất làm việc của đội tiêu hủy lợn của xã Thanh Lĩnh tăng nhanh đột biến, nguyên do là lợn của bà con nhiễm DTLCP chết như ngả rạ.
Hầu như ngày nào cũng xuất hiện lợn chết, cá biệt có gia đình phải tiêu hủy cả đàn, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Dần, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Thanh Lĩnh cho hay, lợn chết phải xử lý ngay, chậm trễ sẽ gây ô nhiểm môi trường và mầm dịch phát tán:
“Lợn chết đủ kích cỡ, có những con nái nặng 1-2 tạ việc xử lý vô cùng vất vả, mệt nhọc nhưng chẳng đáng là bao so với mất mát của bà con”.
Chia sẻ thêm thông tin, ông Nguyễn Trường Tam, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho biết, DTLCP hiện đã lây lan ra 6/6 thôn, người dân báo tin lợn bị ốm chết diễn ra như cơm bữa:
“Hết ngày 30/3 toàn xã đã tiêu hủy trên 6 tấn lợn. Chúng tôi xác định công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh 3 chốt kiểm soát còn có tổ kiểm soát lưu động, lực lượng này thường xuyên tuần tra, ngăn chặn không cho người dân vận chuyển lợn ra vào địa bàn”.
Báo cáo số liệu của UBND huyện Thanh Chương cho thấy, từ ngày 01/1/2021 DTLCP tái, bùng phát và lây lan mạnh kể từ tháng 2 đến nay. Hiện đã ghi nhận dịch bệnh tại 658 hộ của 32/38 xã, số lượng lợn bị chết tiêu hủy hơn 143 tấn.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Chương, dù đã lên phương ứng ứng phó nhưng do quy mô tổng đàn khá lớn, phần đa các hộ lại áp dụng chăn nuôi nông hộ, không đảm bảo về an toàn sinh học, cộng với công tác kiểm soát giết mổ chưa thực sự chặt chẽ, trên hết là ý thức phòng dịch kém của một bộ phận người nuôi… khiến tình hình ngày càng khó nhằn.
Diễn biến tại huyện Thanh Chương cũng là vấn đề nan giải tại một số địa phương khác có tổng đàn lớn trên địa bàn Nghệ An. Nếu không sớm có phương án thấu đáo, e rằng tình hình sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới.