| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại

Thứ Năm 08/10/2020 , 14:17 (GMT+7)

Sau thời gian dài lắng xuống, thời gian gần đây, dịch tả lợn Châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại tại các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Nghệ An.

Dịch tả lợn Châu Phi đang khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An khốn đốn. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch tả lợn Châu Phi đang khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An khốn đốn. Ảnh: Việt Khánh.

Chuyển biến khó lường

Trao đổi với PV NNVN, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: “Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang xảy ra tại 12 huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh, trong đó Hưng Nguyên và Nghi Lộc bị nhiều nhất.

Trong số các địa phương xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, dẫn đầu là huyện Hưng Nguyên với 8 xã, kế đó là Nghi Lộc (7), Quế Phong (5), Kỳ Sơn (3), TP Vinh (3)…

Sau giai đoạn mưa bão dịch bệnh bùng phát trở lại tương đối nhiều, nguyên nhân là do mầm bệnh ở trong cơ thể lợn tại những ổ dịch cũ tích tụ lâu ngày, môi trường không được xử lý, người dân cố tình bán chạy lợn ốm, hay như thói quen mổ lợn chia nhau tại khu vực miền núi…”.

Theo ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, ghi nhận đến ngày 6/10 DTLCP có tổng cộng 40 ổ dịch tại các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ ở 12 huyện, thành thị. Số lợn bệnh ốm, chết và dương tính với DTLCP từ đầu đợt dịch (đầu tháng 8/2020) là 1.381 con.

Ồ ạt tái đàn là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Việt Khánh.

Ồ ạt tái đàn là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Việt Khánh.

Ngoài một số nguyên do khách quan thì việc người dân tự ý tái đàn ồ ạt trước đó (tháng 6, 7/2020) cũng góp phần không nhỏ khiến sự thể ngày càng phức tạp thêm.

Bên cạnh đó nhiều hộ sốt sắng đầu tư sau chuỗi ngày dài trống chuồng, tuy nhiên lợn thả chưa được bao lâu thì xuất hiện sự cố khiến tâm lý của người nuôi thực sự chán nản.

Thiệt hại nặng nhất phải kể đến gia đình anh Hà Trung Thành ở xóm Đồng Minh (xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp). Cách đây tầm 3 tháng, vợ chồng anh mua 30 con lợn giống siêu nạc với chi phí hơn 100 triệu đồng. Những tưởng khi xuống tiền đầu tư, lại bỏ công chăm bẵm sớm muộn sẽ thu về thành quả tương xứng, nào ngờ cơn bạo bệnh ập đến càn quét sạch bách, thật chua xót.

Trên thực tế có nhiều hộ nuôi vì tiếc của tiếc công nên gắng gượng chữa trị nhưng bất thành, chỉ đến khi lợn chết mới tiến hành khai báo, điều này vô hình chung giúp mầm bệnh có thêm thời gian tồn lưu, từ đó phát tán rộng rãi ra bên ngoài.

Nghệ An là tỉnh có tổng đàn lợn thuộc tốp đầu với khoảng 900.000 con, dù vậy tiến hành nuôi tập trung rất khiêm tốn, ngược lại cơ bản chỉ ứng dụng quy mô nông hộ. Phần đa nhà nông thiếu tiềm lực tài chính, hổng về kiến thức vì thế luôn tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ. Nếu không sớm tìm ra phương án tối ưu để khỏa lấp vào lỗ hổng này, việc ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là DTLCP e rằng rất gian nan.

Thiếu tự giác

Không hẹn mà gặp, thời gian qua toàn tỉnh xảy ra nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm H5N6, lở mồm long móng, DTLCP) đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội, qua đó làm tổn thất lớn về kinh tế của người dân và nhà nước. Cơ quan chuyên môn khẳng định, nguyên nhân chính xuất phát từ việc đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, hoặc đã tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch.

Nhiều địa phương lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác tiêm phòng cũng là lý do đẩy tình hình thêm phần gian nan. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều địa phương lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác tiêm phòng cũng là lý do đẩy tình hình thêm phần gian nan. Ảnh: Việt Khánh.

Theo tìm hiểu của NNVN, tinh thần nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại các Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 21/1/2020; Công điện số 33/CĐ-UBND ngày 24/9/2020 và Công văn số 560/UBND-NN lần lượt về phê duyệt kế hoạch phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin thể hiện: “Muốn hạn chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện tiêm”.

Trên đã giao việc rõ ràng nhưng dưới chưa chấp hành đến nơi đến chốn, đó là một thực tế đáng lo ngại. Để rõ hơn, xin được nhắc đến nội dung trong thông báo số 3301/SNN.CNTY của Sở NN-PTNT ban hành ngày 2/10/2020: “Thời gian tiêm phòng vụ Thu 2020 từ 15/9 – 15/10 nhưng đến nay nhiều huyện chưa đăng ký mua vắc-xin ngoài số lượng được nhà nước hỗ trợ, một số huyện có đăng ký nhưng số lượng chưa đúng với tổng đàn thực tế”.

Để tạo hệ miễn dịch cho đàn vật nuôi trước mùa mưa bão, đồng thời tránh những hậu quả không đáng có, Sở NN-PTNT tỉnh yêu cầu các UBND huyện, thành phố, thị xã khẩn trương đăng ký nhu cầu mua vắc-xin, huyện nào không đăng ký, hoặc mua không đúng số lượng phải có văn bản nêu rõ lý do.

Ngoài ra đơn vị cũng khuyến cáo, trường hợp không chấp hành theo đúng tinh thần của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và Cục Thú y, khi dịch xảy đến buộc phải tiêu hủy và không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.

Liên quan đến nội dung này, nhất thiết tỉnh Nghệ An phải thực sự có động thái chỉ đạo quyết liệt hơn, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.