| Hotline: 0983.970.780

Một vụ ly hôn, hai lần hủy án

Thứ Sáu 21/12/2018 , 08:28 (GMT+7)

Năm 1976, ông Nguyễn Văn Lâm và bà Tạ Thị Chuộng kết hôn, đăng ký kết hôn tại UBND xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau đó, ông bà cùng chuyển lên TX Thái Bình (nay là TP Thái Bình) sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú.

Trong quá trình chung sống, ông bà đã tạo dựng được một khối tài sản chung là 1 ngôi nhà 2 tầng xây trên mảnh đất 70m2 (đã được cấp sổ đỏ); 1 ngôi nhà 1,5 tầng xây trên mảnh đất diện tích 90m2 (chưa cấp sổ đỏ); 1 lô đất tại khu tái định cư phường Tiền Phong, TP Thái Bình (cũng chưa được cấp sổ đỏ), và một số tài sản khác.

Quyết định của Viện KSND TP Thái Bình kháng nghị bản án số 23/2018/HNGĐ-ST của TAND TP Thái Bình

Tháng 5/2001, ông Lâm thành lập Cty TNHH Nhựa Phú Lâm (gọi tắt là Cty Phú Lâm), chuyên SX kinh doanh nhựa và ni lông. Cty do ông Lâm làm giám đốc, bà Chuộng là kế toán kiêm thủ quỹ. Anh Nguyễn Văn Tài (con trai ông bà) cũng làm việc ở Cty từ khi thành lập đến hết tháng 12/2013.

Từ năm 2003, giữa bà Chuộng và ông Lâm phát sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó càng ngày càng nặng nề, không thể hàn gắn. Tháng 2/2014, bà Chuộng rời công ty về ở với con và viết đơn đề nghị TAND TP Thái Bình xét xử, cho bà được ly hôn với ông Lâm, đồng thời giải quyết việc phân chia tài sản giữa hai người.

Ngày 3 và 8/3/2016, TAND TP đưa vụ kiện ly hôn nói trên ra xét xử. Phần xử thuận tình ly hôn và phân chia các tài sản như 2 ngôi nhà, thửa đất tái định cư của tòa, nhanh chóng được hai bên chấp nhận. Nhưng tranh chấp xảy ra quyết liệt khi xử về Cty Phú Lâm.

Bà Chuộng cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng, từ vốn góp ban đầu đến tài sản, hiện tại... đều do hai vợ chồng góp vào mà có. Bà yêu cầu tòa xử chia cho bà ½ giá trị của Cty. Trái lại, ông Lâm khẳng định, công ty là tài sản riêng của ông, không liên quan gì đến vợ, hình thành từ nghuồn vốn do ông vay của bạn bè, anh em, và ông tự điều hành. Vợ con ông chỉ làm công ăn lương.

Nay bà đòi chia Cty, ông đồng ý. Nhưng Cty Phú Lâm không chỉ có tài sản hiện tại, theo đánh giá của hội đồng định giá là 2,433 tỷ, mà còn có những khoản nợ phải trả, tổng cộng 7,416 tỷ. Vì vậy, nếu chia đôi Cty, thì bà Chuộng cũng phải gánh ½ số nợ đó.

Tuy tất cả các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều phản ánh: Cty Phú Lâm là tài sản riêng của ông Lâm. Nhưng HĐXX lại chấp nhận lời khai của bà Chuộng, coi đó là tài sản chung, chỉ chấp nhận giá trị tài sản của Cty là 2,433 tỷ, mà không chấp nhận nợ nần. Tòa tuyên chia cho bà Chuộng 3/10 tài sản Cty, ông Lâm được 7/10. Như vậy, toàn bộ trên 7 tỷ đồng nợ, ông Lâm phải gánh.

Bản án số 09/2016/HNGĐ/ST nói trên của TANDTP Thái Bình bị bản án phúc thẩm số 25/2016/DS-PT ngày 8/8/2016 của TAND tỉnh tuyên hủy, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ giai đoạn đầu, vì có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, do vậy không đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Ngày 19/6/2018, TAND TP Thái Bình đưa vụ án ra xét xử (lần 2). Lần này, quan điểm của tòa vẫn không có gì thay đổi, HĐXX chỉ thay đổi một chút, là chia cho bà Chuộng 25% giá trị của Cty, thay vì 30%; chia cho ông Lâm 75% giá trị Cty, thay vì 70% của bản án trước. Tòa vẫn không chấp nhận số nợ trong báo cáo tài chính do ông Lâm xuất trình.

Lần này, bản án số 23/2018/HNGĐ-ST của TAND TP Thái Bình đã bị chính Viện KSND TP kháng nghị, yêu cầu TAND tỉnh xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm số 23/2018/HNGĐ-ST nói trên của TAND TP Thái Bình, do cũng vi phạm tố tụng nghiêm trọng, thậm chí một phép cộng số học sơ đẳng cũng làm sai.

Ngày 22/11/2018, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của TAND TP, tuyên hủy bản án số 23/2018/HNGĐ-ST của TAND TP, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ giai đoạn đầu.

Chỉ là một vụ ly hôn rất bình thường. Thế mà hai lần xét xử, hai lần đều bị hủy án do vi phạm tố tụng. Dư luận rất băn khoăn, không hiểu trình độ các thẩm phán của TAND TP Thái Bình ở mức độ nào? Và không hiểu lần thứ 3 sắp tới đây, các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự có được tuân thủ nghiêm ngặt, các đương sự có được hưởng sự công bằng?

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm