| Hotline: 0983.970.780

Một xã 'cõng' 3 mỏ cát, uy hiếp hơn 300 ha lúa

Thứ Sáu 14/04/2017 , 09:45 (GMT+7)

Từ khi UBND tỉnh Bình Định cho phép các doanh nghiệp khai khoáng 3 mỏ cát trên dòng sông Lại Giang đoạn đi qua địa bàn xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn)...

15-15-38_1
Xe chở cát chạy nối đuôi từ xã Hoài Mỹ xuống xã Hoài Hương, lên thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) để đi về Quảng Ngãi.

Từ khi UBND tỉnh Bình Định cho phép các doanh nghiệp khai khoáng 3 mỏ cát trên dòng sông Lại Giang đoạn đi qua địa bàn xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), không những người dân địa phương phải chịu cảnh xe chở cát chạy bất kể ngày đêm gây xáo trộn đời sống, mà ngành nông nghiệp còn lo ngay ngáy vì nguy cơ sẽ có hơn 300 ha đất lúa bị xâm nhập mặn.
 

Một xã “cõng” 3 mỏ cát

Trong 1 chuyến công tác đi từ xã Hoài Hương lên thị trấn Bồng Sơn ngang qua xã Hoài Mỹ bằng xe máy, đến đoạn ngang qua thôn Mỹ Khánh, chúng tôi đã phải rất căng thẳng khi liên tục “né” những chiếc xe chở cát chạy vù vù ngược chiều trên con đường bê tông nông thôn không lớn lắm. Hỏi thăm người dân địa phương thì biết, xe chở cát chạy như “ma đuổi” là để tránh bị người dân 2 bên đường chặn lại.

Mới đây, quá bức xúc vì xe chở cát chạy nườm nượp cả ngày lẫn đêm, vừa “cày bừa” nát hết đường, vừa tung bụi gây ô nhiễm những nhà dân sống 2 bên đường, người dân địa phương đã tổ chức chặn không cho xe chở cát lưu thông, rồi gửi đơn khiếu nại lên huyện, lên tỉnh, nhưng mọi sự rồi đâu cũng vào đó.

15-15-38_2
Hoạt động khai thác cát trên sông Lại Giang đoạn qua xã Hoài Mỹ tiếp nối cả ngày lẫn đêm.
“Lo nhất là mỗi khi nước thủy triều lên là các trạm bơm trên sông lại Giang đoạn ngang qua xã Hoài Mỹ cũng bị xâm nhập mặn, làm lúa mà tưới nước mặn thì đố cây lúa nào sống nổi, chắc chắn vụ hè thu năm nay tình trạng xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân”, ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ nói.

Một người dân có nhà ở cạnh đường giao thông thuộc thôn Mỹ Khánh (xã Hoài Mỹ), cho biết: “Mấy năm nay chúng tôi phải sống chung với bụi do những chiếc xe chở cát chạy nối đuôi cả ngày lẫn đêm. Ban ngày thì xe mang biển số 77 (Bình Định), từ nửa đêm đến sáng thì xe mang biển số 76 (Quảng Ngãi) chở cát chạy xuống hướng xã Hoài Hương, đi lên thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) để đi về Quảng Ngãi”.

Một chị bán chuối chiên bên đường ngóng chuyện cho hay thêm: “Người dân có nhà 2 bên đường chịu hết thấu bụi bẩn do những xe chở cát tung ra có lúc đã tổ chức chặn xe, rồi gửi đơn khiếu nại lên huyện, lên tỉnh. Cán bộ tài nguyên- môi trường về nhìn nhìn rồi đi, sau đó mọi chuyện cứ diễn ra như cũ”.
 

Hơn 300 ha ruộng nguy cơ bị nhiễm mặn

Đoạn sông Lại Giang chảy ngang qua xã Hoài Mỹ không ngừng bị “móc ruột” tạo cơ hội cho nước biển xâm nhập uy hiếp hàng trăm ha đất SX lúa của địa phương này.

15-15-38_3
Điểm tập kết cát của Cty TNHH Thành Hương.

Ông Văn Bá Du, Phó Giám đốc HTXNN Hoài Mỹ, bức xúc cho biết: “Mấy năm trước tình trạng xâm nhập mặn vẫn xảy ra, nhưng phải đến tháng 8 dương lịch mặn mới lên đến Hoài Mỹ. Lúc đó dòng sông chưa bị khai thác cát nên mặn xâm nhập chậm, có thể dùng cát dưới sông đắp bờ để ngăn không cho nước mặn gây ảnh hưởng đến SX. Bây gờ dòng sông bị móc hết cát, trũng sâu, mới tháng 4 mà mặn đã xâm nhập sâu và rất nghiêm trọng”.

Theo ông Du, những năm trước mặn chỉ xâm nhập đến đoạn sông cuối xã, nhưng năm nay, mới những ngày đầu tháng 4 mà khi thủy triều lên là mặn đã xâm nhập hết đoạn sông chảy qua xã Hoài Mỹ dài cả 6 cây số, lên đến thôn Định Bình thuộc xã Hoài Đức.

“Mùa nắng nóng năm nay được dự báo là rất khắc nghiệt nên tình trạng xâm nhập mặn chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. Xã Hoài Mỹ có hơn 700 ha đất SX lúa, vụ hè thu năm 2017 này chắc chắn sẽ có hơn 300 ha ở các thôn Mỹ Khánh, Mỹ Thọ, Khánh Trạch bị mặn xâm nhập, không biết cây lúa có sống nổi không”.

Theo ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, chỉ 1 đoạn sông Lại Giang đi qua địa bàn xã này đã có đến 3 điểm khai thác cát. Riêng Cty TNHH Xây dựng Thành Hương sở hữu 2 điểm với diện tích gần 13 ha, được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác từ giữa tháng 4/2015 đến nay, và mỏ của Cty Tiến Thành chuyển từ mỏ BOT sang, được phép khai thác từ cuối năm 2016.

Ngoài ra, còn 1 số điểm khai thác cát trái phép của lực lượng xe công nông cũng hoạt động khá rầm rộ.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất