Để phân loại rác hiệu quả, phải làm đồng bộ từ hộ gia đình đến việc thu gom, xử lý rác (Ảnh: SỸ ĐÔNG/Báo Người lao động) |
Từ năm 2017, Chính phủ đã quy định các địa phương phải phân loại rác thải từ nguồn, nhưng đến cuối năm 2018 thì đô thị phát triển nhất phương Nam mới rục rịch triển khai. Sự loay hoay này cho thấy, đối phó với rác cũng là một trở ngại không nhỏ trên con đường văn minh.
Một trong những dự án môi trường đáng chú ý tại TP.HCM là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Cty TNHH xử lý chất thải VN đầu tư. Sau một thời gian được ca ngợi, thì Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước bị người dân khu vực xung quanh khiếu nại bởi phát tán mùi hôi kinh khủng. Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển, và đến hôm nay đã bộc lộ những hạn chế gây ô nhiễm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận sự hợp tác giữa thành phố với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã thất bại trong việc phân loại rác tại nguồn, nên tỉ lệ chôn lấp rác vẫn tồn tại ở mức độ cao. Thực trạng ấy, khiến cựu Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực băn khoăn: "Nếu cuối cùng để chôn lấp thì cần gì phải phân loại rác! Tôi cho rằng nếu rác có thể chế biến thành phân bón được thì chúng ta có thể mua rác của dân. Khi người ta có rác phân loại, đem cân cho mình, có thể thành nhiệt, thành điện, thành phân bón, có thể bán được thì phải mua".
Để tránh thảm cảnh một đô thị lớn mà đi đâu cũng thấy rác thải tứ tung, UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định 44/2018 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Chất thải phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Người dân vi phạm có thể bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế, thì phương tiện thu gom rác thải vẫn không bảo đảm. Khi rác thải được phân loại ở mỗi nhà, sau đó người thu gom rác thải lại cho chung vào một thùng để chở đến bãi rác, thì sự phân loại cũng vô nghĩa.
Quy luật tất yếu, nhu cầu vật chất của xã hội tăng cao thì rác thải cũng nhiều lên. Chưa cần nói chuyện phân loại rác thải, mà hành vi vứt rác bừa bãi xuống cống thoát nước hoặc xuống kênh rạch, vẫn xảy ra thường xuyên. Đề xuất “mua rác của người dân” có lẽ là một ý tưởng nên thực hiện, nếu không muốn tiếp tục sống trong một môi trường đang ô nhiễm với tốc độ chóng mặt!