Thời gian vừa qua, dòng người từ các thành phố, khu công nghiệp phía Nam trở về quê ở miền Trung, miền Tây tránh dịch và đảm bảo đời sống rất đông đúc, kéo theo những hệ lụy phức tạp.
Cuộc di cư không mong muốn đó nhắc nhở chúng ta có quá ít cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho đại bộ phận người dân lao động ở các địa phương.
Đã đến lúc phải đặc biệt có các giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu “ly nông không ly hương” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kết quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là đạt kết quả to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử và đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn cho giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, giai đoạn trước chính quyền địa phương và cơ sở thường thiên về đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng nông thôn mới bền vững liên quan thu nhập và sinh kế của người dân.
Để sớm khắc phục hạn chế trên, đề nghị Chính phủ xem xét để chỉ đạo xây dựng một đề án tổng thể, đồng bộ, có cơ chế, chính sách thiết thực từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu “ly nông không ly hương” như một số nước và vùng lãnh thổ đã thực hiện khá thành công.
Tiếp tục bổ sung chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn từng vùng nông thôn. Hình thành chuỗi thu mua, chế biến, tiêu thụ các nông sản gắn với thu hút lao động nông thôn.
Đồng thời có cơ chế khuyến khích hợp tác xã, tổ hợp, hộ gia đình đầu tư công nghiệp nhỏ, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nhưng gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp…
Trên cơ sở triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức đến các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân về ý thức, trách nhiệm trong việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hình thành các điều kiện để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân thông qua sinh kế đó.
Hiện nay trên địa bàn cả nước có rất nhiều mô hình, điển hình ứng dụng thành công sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều hợp tác xã, tổ hợp, hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình…
Một số địa phương chỉ đạo thành công mô hình nông thôn “xanh, sạch, đẹp”, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nên không có tình trạng thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa…
Các mô hình, điển hình đó cần được các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các địa phương và người dân rút kinh nghiệm, tham khảo vận dụng sát với thực tế của mình.
Sản xuất nông nghiệp là một nghề vì thế rất cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lao động nông nghiệp thạo nghề, nâng cao kiến thức để sản xuất kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả…
Mục tiêu quan trọng là từng bước xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành nông thôn đáng sống để mỗi người nông thôn yêu quê hương, gắn bó với quê hương, sống hạnh phúc trên chính quê hương của mình.
Tin tưởng mục tiêu “ly nông không ly hương” sẽ được tổ chức thực hiện thành công trong thời gian tới.