| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh ở làng tái chế rác nhựa [Bài 1]: Nơi 'tấc đất tấn rác'

Thứ Tư 29/05/2024 , 15:27 (GMT+7)

Với nhiều người thì nhựa, nilon là thứ bỏ đi nhưng ở làng Khoai, chúng lại là nguyên liệu ‘quý hơn vàng’, giúp nhiều người đổi đời thành triệu phú.

Giàu nhờ rác

Rác được nhập từ tứ xứ về làng Minh Khai hay còn gọi là làng Khoai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để “luân hồi” một vòng đời mới.

Hàng hóa chủ yếu là nilon đã qua sử dụng. Những lô nhập khẩu từ nước ngoài được đóng thành kiện, chắc nịch, cứng như đá. Còn hàng trong nước thì được đóng gói, chất đầy trên các xe tải. Ngoài ra, còn có một số loại nhựa khác, thậm chí lẫn trong những bao tải là những chiếc kim tiêm còn nguyên máu.

Nilon được nhập từ tứ xứ, thậm chí có cả hàng nước ngoài để quay đầu một vòng đời mới. Ảnh: Minh Toàn. 

Nilon được nhập từ tứ xứ, thậm chí có cả hàng nước ngoài để quay đầu một vòng đời mới. Ảnh: Minh Toàn. 

Hàng được mua theo cân với giá dao động từ 10 - 20 nghìn đồng, tùy chất lượng và độ ẩm. Ở làng Khoai, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh từ phân loại, tạo hạt đến sản xuất thành phẩm, nối nhau tạo thành một vòng đời hoàn chỉnh cho nilon.

Loại hạt xịn có giá cao nhất từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, thường có màu trắng trong. Độ đục của hạt tỷ lệ thuận với giá thành. Tức là hạt càng đục, càng đen thì giá càng thấp. Vì theo một số chủ cơ sở ở đây, hạt đục là hàng kém chất lượng, tạp nham nên có giá thành tương đối thấp.

Hạt nhựa thành phẩm sau quá trình tái chế sẽ được xuất đi các địa phương trong nước. Thứ còn lại ở làng Khoai là tiền và phế thải. Bãi rác được tập kết ở nơi cách xa khu dân cư, đã được đốt nhiều lần để đảm bảo diện tích chứa nhưng hiện “núi rác” đã tràn cả ra khu nghĩa địa bên cạnh. Nhiều người ví đây là nơi "tấc đất tấn rác".

Một phần hạt nhựa được chính các hộ gia đình khác trong làng mua lại để gia công những thành phẩm như ống hút, hộp cơm, túi nilon... Ảnh: Minh Toàn. 

Một phần hạt nhựa được chính các hộ gia đình khác trong làng mua lại để gia công những thành phẩm như ống hút, hộp cơm, túi nilon... Ảnh: Minh Toàn. 

Số lượng thành phẩm mỗi cơ sở xuất đi hàng tháng rất lớn. Điển hình như cơ sở tái chế nhựa của gia đình anh Phùng Đức Vương (46 tuổi) có diện tích 250m2 với 5 nhân công làm việc liên tục. Mỗi tháng, cơ sở này có thể sản xuất được khoảng 80 tấn nhựa thành phẩm. Trung bình mỗi kilogam hạt có giá khoảng 17 nghìn đồng.

Thế nhưng chi phí vận hành, hao hụt của cơ sở này cũng không phải là con số nhỏ. Chị Nhuận (vợ anh Vương) cho biết: “Mỗi tháng đến cả trăm triệu tiền điện, chưa kể tiền nhân công, chi phí vận hành máy móc. Tổng chi phí vận hành mỗi tháng phải đến cả tỷ…”. Con số quá đỗi khổng lồ đối với một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Không khó hiểu khi gắn bó gần 30 năm trong nghề, gia đình anh Vương đã đổi đời, xây được nhà lầu, tậu được xế xịn.

Hệ thống máy móc hàng tỷ đồng được đầu tư để phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất của cơ sở sản xuất nhà anh Vương. Ảnh: Minh Toàn. 

Hệ thống máy móc hàng tỷ đồng được đầu tư để phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất của cơ sở sản xuất nhà anh Vương. Ảnh: Minh Toàn. 

Nghề rủi ro

Không chỉ là nguồn sống của người dân làng Khoai mà công cuộc “nhựa hoá” làng nghề cũng tạo ra sinh kế mới cho nhiều người dân ở các địa phương lân cận. Quy mô cơ sở sản xuất được mở rộng, vì vậy số lượng nhân công cũng tăng dần theo quy mô làng nghề.

Trong đó, nhiều lao động là người dân tộc thiểu số đổ về từ các tỉnh Sơn La, Hà Giang,… Ở trong các xưởng, công việc của nhân công thường là rửa, xay, nóng chảy, kéo sợi, cắt hạt. Do tính chất công việc tương đối nguy hiểm, thường xuyên phải tiếp xúc với những hợp chất độc hại bốc lên từ quá trình nóng chảy nilon nên mức lương của những người này cũng ở mức tương đối.

“Cái này khoán theo cân, 800 đồng/1kg, 800.000 đồng/tấn, mỗi tháng thu nhập của tôi cũng được 15 - 16 triệu đồng. Chẳng nguy hiểm gì, có mấy khi bỏng đâu”, anh Đinh Văn Dứ (39 tuổi, ở Sơn La) là thợ kéo sợi, cắt sợi để tạo thành những hạt nhựa thành phẩm.

Anh Dứ làm công việc tạo hạt, cắt hạt với không một trang bị bảo vệ. Ảnh: Minh Toàn.

Anh Dứ làm công việc tạo hạt, cắt hạt với không một trang bị bảo vệ. Ảnh: Minh Toàn.

Ở ngoài bãi, công việc của công nhân chủ yếu là phân loại, đóng gói nilon sau phân loại, bốc dỡ hàng. Mức thu nhập của họ tương đối rẻ mạt so với tính chất công việc. Anh Hoàng Văn Nam (64 tuổi, ở Sơn La) cho biết: “Ngày trước công lao động 250.000 đồng/ngày nhưng bây giờ nhiều người làm quá rồi nên chỉ còn 230.000 đồng/ngày. Ngày làm 10 tiếng, sáng từ 6h-12h, chiều từ 13h-17h…”. Số tiền đó đã bao gồm phí ăn trưa. Hầu hết anh chị em đều ăn trưa và nghỉ trưa luôn tại bãi để tiết kiệm thời gian.

Mỗi ngày ông Nam nhận được 200 -250 nghìn đồng tiền công phân loại nilon. Ảnh: Minh Toàn. 

Mỗi ngày ông Nam nhận được 200 -250 nghìn đồng tiền công phân loại nilon. Ảnh: Minh Toàn. 

Thậm chí, ngay cả ngoài những bãi rác cũng có những người "kiếm ăn". Họ thu nhặt những nilon đã bị bỏ đi, phân loại rồi bán ngược về làng hoặc bán đi những làng khác để không "phí của". Chị N.T.M (nhân công nhặt rác ở bãi rác làng) cho biết: "Làm ở đây 10 năm rồi, ngày nhiều thì 300 nghìn đồng/ngày, ngày ít thì 100 nghìn đồng, có khi chỉ vài chục nghìn. Làm gần tối thì đốt rác xong về...". 

Ngoài ra, những dịch vụ ăn theo nhân công cũng phát triển dần theo quy mô của làng nghề. Nhiều nhà trọ giá rẻ cho nhân công trong khu vực mọc lên. Giá mỗi phòng khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy những người nhân công ở bãi này tối đa cũng chỉ dành dụm được 5 triệu đồng một tháng chưa tính tiền ăn.

Quy mô làng nghề càng lớn lượng hàng thành phẩm càng cao, nhu cầu về công nhân bốc dỡ hàng cũng tăng dần từ đó. Những người bốc dỡ được thuê với giá niêm yết 40.000 đồng/tấn.

Đại công trường tái chế rác

Được xem là vựa tái chế nhựa lớn nhất cả nước, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Minh Khai là ngôi làng chuyên thu mua, buôn bán phế liệu nhựa. Đến năm 1998, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thành lập làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, mục tiêu chính hướng đến nhằm xây dựng địa điểm phát triển theo hướng kinh tế cá thể. Cho đến nay, làng nghề đã có hơn 20 năm hoạt động và được xem là ngôi làng tái chế rác thải nhựa lớn nhất cả nước.

Hiện nay, làng có 456 hộ làm nghề. Do đó, tại làng Minh Khai, cụm công nghiệp 1 có 143 cơ sở, cụm công nghiệp 3 có 313 cơ sở. Hơn 90% hộ dân tham gia vào quá trình sản xuất, tái chế nhựa.

Làng Khoai hiện được phủ kín bằng những nhà cao tầng, không ít trong số đó là những cơ sở sản xuất nhựa. Ảnh: Vượng Lê.

Làng Khoai hiện được phủ kín bằng những nhà cao tầng, không ít trong số đó là những cơ sở sản xuất nhựa. Ảnh: Vượng Lê.

Hiện nay, địa phương cũng đã được các cấp phê duyệt mở rộng cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai 3 (làng Khoai).

Theo đánh giá sơ bộ của ông Vũ Đức Đoàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh: “Về mặt chuyển đổi cơ cấu kinh tế, làng chuyển từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân có một mức thu nhập tương đối ổn định và cao. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân một số tỉnh miền núi phía Bắc và các vùng lân cận…”.

Theo thống kê, mỗi hộ kinh doanh sản xuất thu về trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí. Có thể nói, đây là một ngành kinh doanh đem lại thu nhập tương đối ổn định cho người lao động. Thế nhưng cái họ kinh doanh lại là kinh doanh sự ô nhiễm. Khi vấn đề ô nhiễm được giải quyết cũng là lúc phương pháp kinh doanh “ăn sổi” này kết thúc. Những triệu phú này mất đi “cái cần câu cơm” hiệu quả nhất.

Xem thêm
Tỉnh Thái Bình sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã thành 10 đơn vị

Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Thái Bình sẽ sắp xếp, sáp nhập 28 đơn vị hành chính cấp xã về còn 10 đơn vị theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

JIRCAS hợp tác cùng Việt Nam thúc đẩy Đề án 1 triệu ha lúa

Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) cam kết hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất