| Hotline: 0983.970.780

Người dân Bù Đốp sống khổ với bãi rác lộ thiên

Thứ Ba 07/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

Bình Phước Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện, huyện biên giới Bù Đốp luôn khổ sở khi sống chung với bãi rác lộ thiên.

Theo phản ánh của người dân 2 xã biên giới Hưng Phước và Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, bãi rác khổng lồ được xây dựng tại ấp 3 xã Hưng Phước từ trước những năm 2014. Đây là bãi rác tập trung của huyện, mỗi ngày bãi rác tiếp nhận khoảng 10 tấn rác các loại từ các xã, thị trấn. Trước đây bãi rác nằm biệt lập trong lô cao su, những năm gần đây, kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển, hiện bãi rác chỉ cách khu dân cư chưa đầy 1 km, ngập tràn rác từ đầu đường ĐT 759B.

Bãi rác chỉ cách khu dân cư chưa đầy 1km, ngập tràn rác từ đầu đường ĐT 759B. Ảnh: Trần Trung.

Bãi rác chỉ cách khu dân cư chưa đầy 1km, ngập tràn rác từ đầu đường ĐT 759B. Ảnh: Trần Trung.

Bãi rác đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân từ nhiều năm nay. Đặc biệt vào mùa mưa thì ruồi nhặng sinh sôi nảy nở bay sang cả khu dân cư. Mùa nắng, thực trạng đốt rác bừa bãi khiến khói, bụi bay khắp nơi. Người dân rất lo lắng về bệnh tật, gây hại đến cây trồng vật nuôi nên một số hộ đã bỏ vườn, rao bán đất để chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhiều kiến nghị của người dân khi tiếp xúc cử tri đã được đưa ra, nhưng tình trạng ô nhiễm từ bãi rác vẫn chưa được khắc phục từ nhiều năm nay.

Bà Cao Thị Sáu, người dân ấp 3, xã Hưng Phước bức xúc cho biết, bãi rác này tồn tại ở đây cũng trên 15 năm, từ khi có bãi rác, lượt xe rác về đổ càng nhiều nhưng không thấy ai xử lý khử mùi hôi. Hàng ngày, người dân tự đốt hoặc có người nhặt ve chai vào đây đốt rác khiến không khí ngày thêm ô nhiễm, nhiều người già và trẻ nhỏ trong vùng thường xuyên mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. “Chúng tôi rất lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe nên nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương để di dời bãi rác hoặc có phương án xử lý mùi hôi nhưng chưa được xử lý”, bà Cao Thị Sáu nói.

Mùa nắng, thực trạng đốt rác bừa bãi khiến khói, bụi bay khắp nơi. Ảnh: Trần Trung.

Mùa nắng, thực trạng đốt rác bừa bãi khiến khói, bụi bay khắp nơi. Ảnh: Trần Trung.

Sống cách bãi rác không xa, ông Huỳnh Văn Trí, xã Hưng Phước cho biết thêm, ông đến đây lập nghiệp trước khi bãi rác hình thành. Trước đây không khí khu vực này rất trong lành, tuy nhiên những năm gần đây, bãi rác quá tải ngày càng “phình to” tràn ra cả đường tỉnh lộ, người dân không còn cách nào khác phải sống chung với rác. 

“Chúng tôi phải sống chung, làm quen với ruồi, nhặng. Nhất là khi có súc vật chết được các xe đổ chung với rác là lúc mùi hôi kinh khủng nhưng chỉ thấy người ta đem xe đến đổ ngày này qua tháng khác chứ không thấy xử lý. Người dân ở đây rất mong mỏi sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng địa phương, có hướng xử lý bãi rác, giảm thiểu ô nhiễm, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”, ông Trí bức xúc nói.

Ông Nguyễn Văn Đa, chủ đơn vị nhận thu gom rác cho huyện Bù Đốp chia sẻ: “Rác ở đây phần lớn là bịch nilon, bao bì đóng gói các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phụ phẩm từ động, thực vật. Ngoài các chất thải rắn, nếu tận dụng được nguồn rác hữu cơ làm phân vi sinh sẽ rất tốt vì vừa phục vụ sản xuất vừa góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Do nguồn lực đơn vị có hạn nên cũng chỉ làm đúng chức năng thu gom rác từ các chợ và những hộ có nhu cầu ở thị trấn Thanh Bình, các xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện đưa về bãi rác tập trung này”, ông Đa nói.

Từ khi có bãi rác, lượt xe rác về đổ càng nhiều nhưng không thấy ai xử lý khử mùi hôi. Ảnh: Trần Trung.

Từ khi có bãi rác, lượt xe rác về đổ càng nhiều nhưng không thấy ai xử lý khử mùi hôi. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Hoàng Thanh Thiệp, Chủ tịch UBND xã Hưng Phước, đây là bãi rác tập trung của huyện nằm trên địa bàn xã. Sau khi tiếp nhận phản ánh người dân, UBND xã đã cử cán bộ thường xuyên đến kiểm tra giám sát bãi rác, đồng thời tuyên truyền nhắc nhở bà con nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác để đúng nơi quy định.

“Để giải quyết gốc rễ vấn đề, giải pháp căn cơ đặt ra là cần có đơn vị chuyên xử lý tái chế rác thải. Mặc dù đã kêu gọi xã hội hóa và nhiều đơn vị đến khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đơn vị phù hợp. Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện và sắp tới dự kiến sẽ có một đơn vị tiếp nhận, hy vọng sẽ giải quyết được thực trạng trên”, ông Hoàng Thanh Thiệp nhấn mạnh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.