Núi rác lấn cả nghĩa trang
Ở nhiều địa phương, tấc đất là tấc vàng nhưng ở làng Khoai (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), tấc đất là tấn rác. Bởi rác với họ không phải là thứ bỏ đi mà rác là nguồn sống. Rác có mặt ở khắp mọi nơi. Rác không chỉ ở xưởng mà ở trước cửa nhà, ở ngoài ruộng, ở chợ...
Ngay cả ở nghĩa trang - mảnh đất vốn dĩ thuộc về người những người đã khuất, nay cũng đang được tận dụng để chứa những thứ phế thải không thể tái chế được nữa. Rác trong làng được chuyển ra bãi tập kết để tiếp tục ô nhiễm ở một địa điểm khác.
Ô nhiễm, nguy hiểm không mất đi, chúng chỉ chuyển từ làng ra bãi rác. Dùng từ “bãi rác” là không đủ để miêu tả sự khổng lồ của khối lượng phế thải ở làng Khoai. Đó là một núi rác thật sự.
Ở bất kỳ vị trí nào trong làng cũng có thể cảm nhận được mùi hôi từ những kiện nilon bẩn, mùi khét lẹt từ những xưởng đốt nilon. Càng đến gần những bãi phân loại nilon, thứ mùi hỗn tạp ấy càng rõ. Đó là mùi thức ăn thối đã lên men, có giòi được gói trong những túi nilon, mùi ẩm ướt của nilon ngấm nước…
Những thứ mùi ghê rợn xộc thẳng vào mũi của bất kỳ ai khi đến gần. Đã có những thanh niên đến bãi để làm việc nhưng do không chịu nổi mùi ở đây đã nôn ói và rời đi ngay sau đó.
Thật khó có thể tin được, những bãi phân loại rác như vậy lại là nơi ăn cơm, nghỉ trưa của rất nhiều nhân công làm công việc phân loại. Chị Cẩm Thị Tú (47 tuổi, ở Sơn La) cho biết: "Chẳng ăn ở đây thì ăn ở đâu. Mấy ngày đầu còn không ăn hết được suất cơm. Ghê quá! Nhưng bây giờ đói thì ăn hết. Có lần mở cái bọc nilon ra, thức ăn chưa phân hủy hết, nó thối, có cả giòi. Trưa ngồi ăn cơm mà cứ phải để ý xung quanh, sợ giòi nó bò lên người… Sau này quen thì biết trải cái nilon sạch ra, ngồi lên đấy mà ăn cơm…”.
Họ phải ăn cơm ở bãi phân loại để tiết kiệm thời gian bởi giờ nghỉ trưa của họ chỉ kéo dài trong một tiếng. Họ tranh thủ ăn, ngủ trưa trên đống rác. Túi nilon chứa canh còn treo lủng lẳng ở đầu xe. Tất cả chỉ vì mưu sinh. Nhưng đó không phải tất cả những khó khăn của những nhân công phân loại nilon.
Những nhân công này ăn, ngủ với rác. Không quá khi nói rằng rác là nguồn sống của họ. Nếu không có rác thì họ đói, nhưng nếu có rác thì họ đành phải “chấp nhận” đối mặt với những rủi ro để mưu sinh.
“Bức tử” ngôi làng
Tại “đại công trường rác” này, xe tải luôn tấp nập, sẵn sàng chở hàng đi bất cứ lúc nào. Đường đất bụi mù, khói đen từ các xưởng tái chế xả ra liên tục làm cho bầu không khí ở đây trở nên nặng nề, âm u, xám xịt. Thứ không khí này thậm chí gây khó thở với một số người.
Nó là hệ quả của quá trình xả khói trực tiếp từ các xưởng ra môi trường. Những cột khói đen kịt đua nhau bủa vây làng Khoai, không khí luôn âm u, xám xịt. Cô Đặng Thị Lan (59 tuổi, ở Sơn La) cho biết: “Ban đầu thấy khét lẹt cũng không chịu được đâu, nhưng mãi thì cũng quen…".
Bên trong những nhà xưởng tái chế nhựa, do hệ thống máy móc thô sơ nên rất ít cơ sở có hệ thống xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường. Nilon từ các bãi phân loại được đưa trực tiếp về xưởng để chuẩn bị quay đầu một vòng đời mới nhưng cũng bắt đầu một chu trình ô nhiễm ở làng.
Nilon được xay, rửa bằng nước, sau đó đó tiếp tục được đưa vào máy làm nóng chảy. Kéo sợi, sau đó là cắt sợi để trở thành những hạt nhựa. Hầu hết những công đoạn này đều phải sử dụng nước để hạ nhiệt hỗn hợp nilon sau nóng chảy. Thế nhưng như vậy là không đủ để át đi mùi khét lẹt từ việc đốt nilon bên trong xưởng.
Kết quả của quá trình này là những hạt nhựa thì ở lại công xưởng nhưng nước thải thì xả trực tiếp ra các kênh, mương sau đó hòa vào dòng sông quanh làng. Nước bẩn, ô nhiễm từ rác rỉ ra, ngấm vào đất, không thể trồng lúa hay chăn nuôi gì trên mảnh đất này.
Chị N.T.N (39 tuổi, chủ cơ sở sản xuất hạt nhựa ở làng Khoai) cho biết: “Cứ 4 - 5 giờ chiều là các xưởng bắt đầu xả nước ra đường. Tý nó khác rút. Mương, cống tắc hết rồi, chưa đến lịch khơi…”. Những con kênh, con mương trong làng đều đen kịt bởi chúng là nước thải trực tiếp từ các xưởng tái chế nhựa.
Người dân ở đây nhập rác về tái chế. Nhựa sạch được xuất đi nhưng phế thải thì ở lại. Điều này khiến cho làng Khoai trở thành làng tập kết rác không chỉ của các địa phương trong nước mà của cả quốc tế.
Người dân ở đây phải chấp nhận “sống chung với ô nhiễm” bởi họ không còn lựa chọn nào khác. Đất, nước hay thậm chí là không khí đều bị “bức tử” bởi hoạt động kinh tế của làng. Hoạt động này đưa người dân bước vào một thời kỳ “bình thường mới” - thời kỳ mà cuộc sống của họ là rác, là ô nhiễm.
Nan giải xử lý ô nhiễm
Nhằm hướng đến “Netzero - Giảm thiểu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, UBND thị trấn Như Quỳnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ông nhiễm. Ông Vũ Đức Đoàn - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Như Quỳnh, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ tái chế nhựa sang sản xuất nhựa tái sinh. Để giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường. Tiếp nữa là chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…”.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với một tổ chức của Thụy Điển nhằm giải quyết những vấn đề ô nhiễm tại làng nghề mà đặc biệt là bãi rác làng – nơi đang có dấu hiệu quá tải. Công tác khảo sát, đánh giá đã được triển khai.
“Mới đây lãnh đạo HĐND tỉnh cũng đã về xem xét và đánh giá, có phương án xử lý cụ thể. Hiện đã có đề xuất, báo cáo…”, ông Đoàn cho biết thêm.
Theo luật sư Dương Lê Ước An - Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát, quy định về bảo vệ môi trường tại các làng nghề nói chung được quy định cụ thể tại Điều 56 Luật Môi trường 2020, hướng dẫn bởi Điều 33 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Theo đó, làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
Ngoài ra, luật sư An cũng cho biết thêm: “Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Tuy nhiên, trên thực tế, các xưởng sản xuất vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu. Dù địa phương này đã xây dựng 2 cụm công nghiệp tái chế và sắp tới sẽ triển khai xây dựng cụm công nghiệp thứ 3, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn hết sức nan giải, mặc dù có giảm thì cũng chỉ là như “muối bỏ bể”.
Người dân ở đây phải chấp nhận “sống chung với ô nhiễm” bởi họ không còn lựa chọn nào khác. Đất, nước hay thậm chí là không khí đều bị “bức tử” bởi hoạt động kinh tế của làng. Hoạt động này đưa người dân bước vào một thời kỳ “bình thường mới”, thời kỳ mà cuộc sống của họ là rác, là ô nhiễm.