Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết chương trình tiên tiến ngày 30/12 tại Hà Nội.
Qua 10 năm triển khai thực hiện “Chương trình tiên tiến”, đã có 23 trường đại học thực hiện với 35 chương trình đào tạo của 22 trường đại học trên thế giới. Đến nay chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp các trường đại học thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đến nay, cả Đề án đã tuyển được 13.270 sinh viên, trong đó có 69 sinh viên các dân tộc ít người. Đề án đã mời tổng cộng 1.833 lượt giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; bố trí tổng cộng 880 lượt trợ giảng và 275 lượt cố vấn học tập; đã có 1.903 sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập và trao đổi học thuật tại các CTTT.
Các CTTT đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc (7,1%), 1.307 sinh viên giỏi (34,3%) và 1.707 sinh viên khá (47,4%). Hầu hết sinh viên tìm được việc làm đúng nghề hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình tiên tiến
Chọn ngành, chọn trường để đầu tư
Ghi nhận những thành quả đạt được của CTTT mà các trường thực hiện trong 10 năm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định: "Tổng thể CT TT thành công cả về trực tiếp và gián tiếp, trên nền thành công này chúng ta đã có nền móng để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH theo hướng tinh hoa, nếu chúng ta không tiếp tục một cách chủ động thì hiệu quả của 10 năm CTTT sẽ lãng phí.
Tiếp tục kế thừa và phát huy thành tựu, kết quả của CTTT, Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ đã trình và được Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng 2 Đề án: Đề án thứ nhất là Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế; Đề án thứ hai là rà soát quy hoạch để lựa chọn một số trường ĐH hoa tiêu.
Theo Bộ trưởng, chủ trương là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng chọn trọng tâm, trọng điểm ngành và trường. Đầu tiên là chọn ngành vì ngành dễ làm hơn, quy hoạch các ngành theo hướng phải bám sát vào thị trường lao động. Gắn đào tạo với đổi mới mô hình tăng trưởng đi theo chiều sâu.
Những nhóm ngành như Toán học, KHXH&N mặc dù rất cần nhưng doanh nghiệp không mặn mà, tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư và thay đổi phương thức đầu tư. Những nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật, khoa học sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp phải rất ưu tiên. Cần bám sát vào xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vì vậy một trong những tiêu chí của CT đào tạo chất lượng cao tới đây là phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo, tăng cường các ngành CN mũi nhọn theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ và 8 nhóm ngành di chuyển ASEAN ưu tiên trước để đầu tư.
Theo Bộ trưởng Nhạ, tới đây Bộ sẽ chỉ hỗ trợ về đường hướng, chủ trương tập hợp để trình Chính phủ, còn thực hiện là các trường, các đơn vị theo hướng cạnh tranh.
"Chúng ta thà chọn được ít chương trình nhưng ngành nào ra ngành ấy. Tránh tình trạng chọn trường tham gia Đề án chưa chuẩn, lãnh đạo đơn vị chưa thực sự sẵn sàng. Cạnh tranh phải rất quyết liệt. Và mỗi trường ĐH chỉ cần có một số chương trình xuất sắc, trọng điểm để tập trung đầu tư, phát triển vun cao và xây dựng thương hiệu. Các trường tư thục và công lập bình đẳng trong tiếp cận cả hai Đề án mới" - Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, có thể sẽ có những trường có danh tiếng nhưng không có chương trình nào uy tín, nhưng lại có những trường tư thục không tên tuổi nhưng lại có chương trình rất có thương hiệu. Vì thế, giai đoạn tới đây, GD ĐH ngoài hướng đến tinh hoa, bám sát nhu cầu của thị trường thì phải đi vào thực chất và có tính cạnh tranh cao.
3 bước thực hiện đề án nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nhạ, để xây dựng Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế cần thực hiện theo 3 bước.
Thứ nhất, các trường phải rà soát lại các chương trình đào tạo trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường nguồn nhân lực tầm nhìn 5-10 năm sau. Bám sát chủ trương của Chính phủ, chính sách của địa phương xem họ đang chú trọng phát triển gì.
Sau khi có bản đồ về số lượng, sẽ tính tới xây dựng bản đồ về chất lượng. Trong số những ngành cần thiết đó, những ngành nào cần trọng tâm chú trọng.
Tốt nhất các trường nên chọn các ngành đầu tư trọng điểm từ 35 chương trình đào tạo tiên tiến.
Đối tượng các cơ sở tham gia gồm cả các trường ĐH công lập và tư thục. Phương thức theo hướng của Đề án mới (cũng có thể gọi là giai đoạn 2 của CTTT) là hợp đồng giao nhiệm vụ. Làm sao nhà nước bỏ ra lượng tiền nhỏ nhất nhưng thu kết quả tốt nhất.
Mục tiêu của CTTT giai đoạn 2 này không phải nguồn thu cho nhà nước mà hiệu quả cho xã hội, đơn vị đào tạo và người đi học.
Thứ hai, xác định phát triển nhà trường, năng lực đào tạo. Đó là việc của nhà trường không phải việc của Bộ. Sau đó nhà trường phải tự chọn chương trình nào mà trường thấy là quan trọng nhất. Mỗi trường chỉ cần có 5 ngành tham gia đề án, không phát triển dàn hàng ng ang.
Thứ ba, với Đề án mới, Bộ sẽ không trực tiếp làm như chương trình tiên tiến nhưng sẽ đứng ra hỗ trợ định hướng. Đề án sẽ thiết kế theo hướng mở có chính sách rõ ràng, hỗ trợ bằng tiền, cơ chế thậm chí hỗ trợ cả nhân lực. Chủ trương là sẽ hỗ trợ theo đầu người học chứ không hỗ trợ một cục theo mục tiêu như trước, và giữa các trường phải có sự cạnh tranh.