| Hotline: 0983.970.780

‘Di sản vàng’ bên bờ biển xanh: [Bài 2] Giếng cổ ngàn năm vẫn ngọt lành

Thứ Ba 25/02/2025 , 05:46 (GMT+7)

Mặc dù giếng cổ nằm ngay cạnh biển nhưng nước không nhiễm mặn mà vẫn ngọt lành, trở thành nơi gắn bó với bao kiếp người sinh sống trên vùng đất này...

Du khách tham quan giếng Chăm ở làng Gò Cỏ.

Du khách tham quan giếng Chăm ở làng Gò Cỏ.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - chuyên gia khảo cổ, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hiện Trảng Muối nằm cạnh làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là nơi sản xuất muối của người Sa Huỳnh cổ với niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước. Vậy là có ba dấu tích minh chứng người Sa Huỳnh cổ từng cư trú tại nơi này. Đó là Trảng Muối, con đường đá cổ và hệ thống giếng gom nước trên những khe nhỏ len giữa núi đồi nhấp nhô.

Bí ẩn ngàn năm

Trong quá trình tìm hiểu về nền văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học phát hiện hệ thống giếng cổ có từ hàng ngàn năm trước. Người Sa Huỳnh cổ đã khéo léo xếp đá để gom và ngăn nước ở những suối nhỏ. Khi ấy, cây cối trên núi đồi bên biển tươi tốt quanh năm nên mạch nước ngầm dồi dào. Nước mưa thấm vào lòng đất, còn lại chảy vào khe suối trước khi đổ ra biển rộng. Đá ngăn dòng trên các khe suối giữ lượng nước đủ dùng cho cộng đồng dân cư, phần còn lại trôi xuôi như bao đời vẫn thế. Mùa hạn, mạch nguồn róc rách chảy đêm ngày, dù giếng xếp đá đơn sơ nhưng lúc nào cũng ăm ắp nước.

"Người Sa Huỳnh cổ sử dụng hệ thống giếng khơi mạch cho nước chảy ra và dùng đá ngăn dòng... Ở Gò Cỏ có hệ thống gom nước. Rừng ở đây với những loài cây thân thấp, chịu hạn tốt, giữ được nguồn nước ngầm. Nước rỉ ra từ lòng đất, từ trên núi chảy xuống biển theo khe suối. Dọc khe suối là hệ thống giếng gom và giữ nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân cư. Đây là dạng giếng ở thời kỳ đầu. Sau này thì có giếng đào của người Chăm...", tiến sĩ Khôi cho biết.

Gò Cỏ giờ còn 12 giếng Chăm nước trong vắt, nhìn thấy rõ cát vàng nơi đáy sâu. Những viên đá được xếp thành hình vuông bởi sự khéo léo của người xưa trông thật đẹp mắt. Đá xếp chồng lên nhau ngăn đất cát sụt lún, giữ cho nước ngọt lành. Thuở trước, người dân trong làng dùng nước giếng Chăm sinh hoạt hàng ngày và tưới mát rau trái trong vườn. Chiều phai nắng, họ tụ tập quanh giếng chuyện trò rôm rả sau cả ngày lao động mệt nhọc. Họ tắm giặt và xách từng gàu nước trong veo đổ vào đôi thùng nhôm rồi xỏ đòn gánh kẽo kẹt trên vai theo nhịp bước.

Về đến nhà, nước được đổ vào những chum sành khá lớn sóng sánh in bóng vầng mây lửng lơ giữa trời chiều. Khói lam vờn bay trên chái bếp. Gáo nước từ giếng Chăm chế biến món ăn cho bữa cơm gia đình thêm đầm ấm. "Lúc trước người dân trong làng dùng nước giếng Chăm. Đến khi có điện, mọi người đào hoặc khoan giếng trong vườn nhà rồi mua máy bơm nước dùng trong gia đình, không phải đi gánh như thuở trước. Nước giếng Chăm trong veo, ngọt và mát lắm...", bà Bùi Thị Anh (cư dân địa phương) cho biết.

Cụ Võ Đình Chiến khấn nguyện trước miễu Ông dưới chân đồi Trù Bồ.

Cụ Võ Đình Chiến khấn nguyện trước miễu Ông dưới chân đồi Trù Bồ.

Con đường đá cổ từ làng Gò Cỏ ra bãi biển Vũng Bàng có từ thời cư dân văn hóa Sa Huỳnh sinh sống trên vùng đất này. Cạnh đường có giếng Chăm nằm bên biển nhưng nước không bị nhiễm mặn mà trong vắt, ngọt lành. Đây là nơi cung cấp nước ngọt cho các thương thuyền xuôi nam - ngược bắc trong cuộc hành trình trên biển. Hai ngọn núi vươn ra khơi tạo nên bãi biển kín gió, thuận lợi cho thương thuyền ra vào neo đậu để mua lương thực, thực phẩm và nước ngọt.

Sách "Theo dòng lịch sử" của cố giáo sư Trần Quốc Vượng trang 536 chép: "... người Chăm cổ có cái nhìn về biển đúng đắn, biết cấu trúc một nền kinh tế tổng hợp đa ngành, tuy còn chất phác, thô sơ nhưng đã biết khai thác mọi tài nguyên trên nguồn rừng, dưới biển khơi để xuất khẩu, có đội chiến thuyền và thương thuyền đủ lớn, đủ mạnh để ra khơi góp phần xây dựng Chăm Pa hưng thịnh một thời...".

Hàng hóa của người Chăm thuở trước gồm trầm hương, quế, ngà voi... khiến giới thương nhân quốc tế tìm đến trao đổi, mua bán. Thương thuyền có thể xuất phát từ Quảng Châu (phía nam Trung Quốc, đây là nơi cộng đồng thương nhân Ả Rập, Ba Tư và Tamil (Ấn Độ) cư trú và buôn bán rất đông vào cuối đời nhà Đường) đến vùng biển Giao Chỉ, Chăm Pa rồi xuôi xuống phương Nam và ngược lại. Nước ngọt và lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong chuyến đi dài ngày. Nhiều tàu thuyền vào bãi biển Vũng Bàn neo đậu để bổ sung những thứ cần thiết, góp phần phát triển giao thương trong vùng.

Sử liệu cho biết, người Chăm cư trú ven biển miền Trung từ rất sớm. Họ đào giếng ven biển để tìm nguồn nước ngọt dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nước giếng Chăm rất ngọt vì cấu trúc địa chất ở nơi này tạo nên nguồn mạch rất tốt. Các nhà nghiên cứu địa chất cho rằng, trong lòng đất, dưới các tầng đá luôn có đới giập vỡ tạo nên những khe nứt chứa nước ngọt. Có thể người Chăm xưa kia đã biết cách định vị, tìm đến vị trí đào giếng có nước ngọt.

Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, mạch giếng Chăm là mạch đứng nên nước rất ngọt. Đáy giếng là những thanh gỗ xếp thành hình vuông rồi xếp đá dần lên trên. Người Chăm thuở trước rất giỏi trong việc tìm mạch nước ngọt dù ở vùng đất cát, trung du hay đồng bằng.

Qua bao thế hệ, giếng không bao giờ cạn, nước vẫn trong veo và ngọt lành. Trăm năm và cả ngàn năm, bí quyết tìm mạch nước ngọt của người Chăm xưa vẫn còn là điều bí ẩn. Tiếc rằng, hậu thế tu sửa với phần trên của giếng bị bê tông hóa thành hình tròn, mất đi dáng vẻ ban đầu, màu thời gian phôi pha.

Kết nối hai nền văn hóa Chăm Pa - Đại Việt

Cụ Võ Đình Chiến (76 tuổi) cùng tôi cuốc bộ trên con đường nhỏ uống lượn, lên cao - xuống thấp khi nắng chiều nghiêng. Cách làng Gò Cỏ hơn 500 m là ngôi miễu nằm gần giếng Chăm từ hàng trăm năm trước. Trên khu đất bằng phẳng nằm cạnh chân đồi Trù Bồ có 2 ngôi miễu xây dựng từ sự đóng góp của dân làng và con em tha hương. Bia trong miễu khắc chữ "Thần" bằng Hán tự cạnh chữ Việt để hậu thế hiểu được thông điệp của cha ông.

Du khách tham quan giếng Chăm ở làng Gò Cỏ.

Du khách tham quan giếng Chăm ở làng Gò Cỏ.

Theo cụ Chiến, miễu phía tây thờ thần hoàng bổn xứ cạnh miễu phía đông thờ Ban Hội đồng, thổ địa, anh linh nghĩa sĩ, vong linh không nơi nương tựa... Vị thần hoàng bổn xứ được thờ cúng là bậc tiền hiền có công lập làng. Ban Hội đồng là những bậc hậu hiền có công xây dựng các công trình, mở mang xóm làng...

Trong tâm thức của cư dân nơi đây, thần hoàng bổn xứ là vị phúc thần chở che cho xóm làng yên vui. Điều này tương đồng với tín ngưỡng thờ thần hoàng ở Nam Bộ. Sử liệu ghi rằng, người Việt từ đất Bắc trên hành trình Nam tiến dừng lại xứ Quảng mở đất, lập làng. Hậu duệ của họ tiếp nối ý chí cha ông, tiến về phương Nam khai khẩn và định cư trên vùng đất mới. Bởi lưu truyền tín ngưỡng của tiền nhân nên họ thành tâm thờ thần hoàng trong đình làng.

Những bậc cao niên cho rằng, hai ngôi miễu xây dựng từ hàng trăm năm trước. Qua bao mưa nắng cùng tao loạn, miễu bị hư hại trước ánh mắt xót xa của người làng. Họ cùng nhau lên núi cắt tranh, chặt tre dựng lại miễu làm nơi cúng tế tiền nhân. Rồi người dân cùng con em sinh sống sinh sống phương xa góp tiền xây dựng 2 ngôi miễu để tiện việc hương khói.

Bao quanh khu miễu là núi đồi nặm cạnh biển cả bao la ngàn năm sóng vỗ. Cạnh miễu có hai cây bàng cao lớn, cành lá che phủ tạo nên khung cảnh thâm nghiêm. Miễu hướng về phương nam như lời nhắc nhở cháu con hãy gắng sức mở mang bờ cõi rộng dài làm chốn sinh cơ lập nghiệp cho đời sau. "Theo lời kể của ông cha thì miễu thờ Ông được xây dựng lần đầu từ lâu lắm, chỉ sau vài đời lớp người Việt đầu tiên vào sinh sống ở đất này. Lúc trước, người dân ở Phổ Thạnh và Phổ Khánh tập trung về đây cúng tế. Chắc là Ông ở đây khai khẩn vùng đất khá rộng, lập nhiều xóm làng nên họ mới đến thắp hương bái tạ...", cụ Chiến cho biết.

Ngày thường, người dân trong vùng đến miễu dâng nén nhang thơm tưởng nhớ tiền nhân có công mở đất, nguyện cầu gia đình hạnh phúc, xóm làng yên vui. Những người con sinh sống phương xa về lại quê nhà thắp hương vái lạy mong ước cuộc sống no đủ, con cháu thảo hiền. Sớm mai ngày 16/3 âm lịch, đàn ông tụ tập dựng lán che nắng trước miễu cổ.

Phụ nữ xách những gàu nước trong vắt từ giếng Chăm cạnh đó rửa thực phẩm, sửa soạn mâm cỗ. Mọi người râm ran chuyện trò xua đi hờn giận thường ngày, tình quê càng thêm gắn bó. Khi nắng vàng trải khắp núi đồi, trống chiêng giục ba hồi dài báo hiệu sắp đến giờ tế lễ. Ba bô lão vận áo dài khăn đóng nghiêm trang dâng hương lên ban thờ, miệng lầm rầm khấn nguyện. Khói nhang vờn quanh, hương trầm ngát thơm bay trong gió. Chiêng khua, trống đánh vang lừng sau mỗi lượt khấn vái. Sau đó, mọi người hạ mâm cỗ rồi cùng nhau thưởng thức giữa tiếng cười nói rộn ràng.

"Tôi và bà con luôn tôn kính Ông cùng những người đi trước nên tham gia cúng tế. Trong bữa cúng thì chúng tôi khấn vái Ông và các ngài phù hộ cho xóm làng mạnh khỏe, bình an, vạn sự như ý", ông Nguyễn Công Chức bộc bạch. "Lệ cúng vào ngày 16/3 từ đời xưa truyền lại. Cứ đến ngày đó là mọi người tụ tập sửa soạn cúng rồi cùng nhau chung vui. Bữa đó, tôi cũng về tận Phổ Cường (thị xã Đức Phổ) dự lễ thanh minh trong họ rồi vội vàng xin phép cáo từ để về đây dự cúng cùng bà con", cụ Chiến góp chuyện rồi thành tâm chắp tay vái lạy trước khi rời miễu giữa chiều tàn, hoàng hôn bao phủ núi đồi.(còn nữa)...     

Thuở trước, người Chăm đào giếng lấy nước sinh hoạt hàng ngày, cung cấp cho thương thuyền và dâng lễ, cúng tế các vị thần ở đền tháp. Giờ, người dân Gò Cỏ dùng nước giếng Chăm chế biến món ngon dâng cúng đấng linh thiêng. Giếng Chăm ngàn năm ngọt mãi.

    

Xem thêm
HĐND tỉnh Kiên Giang tán thành chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu

Ngày 24/2, tại kỳ họp thứ 32 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Kiên Giang đã biểu quyết tán thành chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu thuộc tỉnh Kiên Giang.

TP.HCM phát triển theo định hướng 'làng trong phố, phố trong làng'

UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trong năm 2025.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Gần 4.300ha cây trồng bị ngập do mưa lớn bất thường

Phú Yên Do mưa lớn bất thường nên hàng ngàn ha lúa đông xuân 2024-2025 và hoa màu ở tỉnh Phú Yên bị ngập, nguy cơ ảnh hưởng năng suất.

Bình luận mới nhất