Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết: cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi đang diễn biến hết sức khó lường; dự báo tỉnh Nam Định có nguy cơ rất cao chịu tác động của cơn bão từ ngày 6 - 8/9/2024.
Trước đó, tỉnh Nam Định đã phát hành Giấy mời dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Giao Thủy (1934 - 2024), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 vào ngày 8/9/2024.
Do ảnh hưởng của bão Yagi, UBND tỉnh Nam Định thông báo, chương trình sẽ được hoãn lại và dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 28/9/2024. Thời gian tổ chức lại, UBND tỉnh Nam Định sẽ có giấy mời chính thức sau.
Tập trung bảo vệ các công trình đê điều trọng điểm
Theo ông Trần Anh Dũng, thực hiện văn bản số 6505 của Bộ NN-PTNT ngày 4/9 về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó bão số 3; Công điện số 06 ngày 4/9 của Cục Thủy lợi về việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập, úng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 86 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 23 của UBND tỉnh về việc triển khai ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố tại các huyện ven biển nhưng chưa được xử lý, khắc phục (như đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu); trong đó khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Đối với các tuyến đê sông, phải kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí xung yếu đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang (nhất là các cống đang xây dựng như cống Chúa, huyện Giao Thủy và cống An Phú, huyện Xuân Trường;
Các đoạn kè đang thi công của dự án Nâng cấp, gia cố một số đoạn kè xung yếu trên tuyến đê sông huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão mạnh và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây ra lũ trên hệ thống sông.
Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT tại Thông tư số 01 ngày 6/1/2009 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 739 về việc tổ chức thực hiện tuần tra canh gác bảo vệ đê điều khi có lũ.
Đối với hệ thống công trình thủy lợi: rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống công trình đê điều, thủy lợi và báo cáo kịp thời các sự cố công trình về UBND tỉnh qua Sở NN-PTNT nông thôn.