| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Xử lý dứt điểm vi phạm đê điều nổi cộm

Thứ Hai 17/04/2023 , 08:27 (GMT+7)

Đối với các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu “tập trung xử lý dứt điểm”.

Vi phạm pháp luật về đê điều diễn biến phức tạp

Thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp, những vi phạm thường xảy ra như xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh vật liệu trái phép trên bãi sông; sử dụng xe quá tải đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, đổ phế liệu, rác thải lên mái, mặt đê,…

Nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát dọc theo sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Huy Bình.

Nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát dọc theo sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Huy Bình.

Thậm chí, còn có hiện tượng xây nhà trên hành lang thoát lũ thuộc địa bàn xã Nghĩa An huyện Nam Trực, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành văn bản số 249 yêu cầu UBND các huyện, thành phố Nam Định tổ chức kiểm tra, rà soát và tổng hợp tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên toàn hệ thống đê, bãi sông và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Đối với các trường hợp vi phạm, các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phân cấp quản lý để xây dựng kế hoạch giải tỏa, gửi báo cáo về Ủy ban nhân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ; thanh thải vật liệu (đá, cát, sỏi…) tập kết trái phép, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu phải “tập trung xử lý dứt điểm”.

Ông Trần Anh Dũng cho rằng, để công tác quản lý đê điều, phòng chống thiên tai hiệu quả, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu chính quyền cấp xã trong việc rà soát để xảy ra vi phạm và kết quả xử lý vi phạm trên địa bàn quản lý. Đặc biệt là cơ quan chuyên môn phải thường xuyên kiểm tra kịp thời, phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều ngay từ khi mới phát sinh.

Song song với đó, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý thường xuyên, đột xuất, mở các đợt cao điểm giải tỏa vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Yêu cầu Sở NN-PTNT báo cáo kết quả xử lý vi phạm về UBND tỉnh

Để người dân hiểu và chấp hành quy định của pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, thủy lợi tới các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành lang bảo vệ đê biến thành bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Minh Phúc.

Hành lang bảo vệ đê biến thành bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Minh Phúc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cũng thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, thủy lợi. Nhất là quản lý chặt chẽ số liệu, hồ sơ theo dõi tình hình vi phạm; báo cáo tình hình, kết quả xử lý vi phạm về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ NN-PTNT, trong đó kiểm tra rà soát báo cáo đầy đủ số liệu đúng thực trạng tình hình.

Chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thủy lợi thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phát hiện các vi phạm ngay từ giờ đầu. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính, ngăn chặn vi phạm và kiến nghị các cấp chính quyền xử phạt theo quy định.

Để đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của cấp trên; Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định, các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 ngày 23/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, đất đai hành lang bảo vệ đê điều, xả thải vào nguồn nước, quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 31/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng, chống lũ, bão năm 2023.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.